Ukraine thiết tha Patriot, Israel lại không mặn mà, vì sao?

(PLO)- Israel sẽ dừng sử dụng các hệ thống phòng không Patriot trong khi Ukraine tha thiết xin phương Tây gửi thêm các hệ thống này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi Ukraine tha thiết xin đồng minh phương Tây gửi thêm các hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ các thành phố trước những đợt tấn công của Nga thì Israel tỏ ra không mặn mà với các hệ thống này. Hôm 30-4, Lực lượng phòng vệ Israel thông báo sẽ dần dừng sử dụng các khẩu đội Patriot, theo trang Defense News.

Israel không mặn mà với hệ thống phòng không Patriot

Vào năm 1991, lần đầu tiên Israel dùng hệ thống phòng không Patriot trong chiến đấu để ngăn chặn khoảng 40 tên lửa đạn đạo Scud mà Iraq bắn vào các thành phố của nước này. Dù cuộc tấn công này không không gây nhiều thương vong nhưng Israel lại thất vọng với khả năng thể hiện của Patriot khi các quan chức Israel ước tính Patriot chỉ bắn hạ được 1 hoặc thậm chí không tên lửa Scud nào.

Israel đã không sử dụng Patriot trong chiến đấu nữa cho đến những năm 2010 khi nước này bắn hạ UAV và máy bay ném bom Su-24 của Syria.

Vì sao Israel không mặn mà, Ukraine lại thiết tha với phòng không Patriot?
Lính Mỹ huấn luyện với hệ thống phòng không Patriot ở Israel hồi năm 2018. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Vì hoạt động không mấy hiệu quả, Israel đã nâng cấp hệ thống phòng không Patriot trên diện rộng, cho ra đời phiên bản mới hơn là Patriot PAC-2 và Patriot PAC-3 - ước tính trị giá khoảng 4 triệu USD mỗi hệ thống.

Tuy nhiên, Patriot chỉ là một phần nhỏ trong lá chắn tên lửa của Israel và nước này có những lựa chọn phòng không khác rẻ hơn hoặc được sản xuất nội địa.

Ông Ryan Bohl, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty về rủi ro tình báo RANE chia sẻ với Business Insider rằng: “Israel từ lâu đã tìm kiếm một hệ thống bản địa và tiên tiến hơn để bổ trợ hoặc thay thế Patriot, không chỉ vì lịch sử hoạt động mà còn do vấn đề chuỗi cung ứng”.

Theo ông, Israel coi Patriot đã lỗi thời và quá đắt để có thể theo kịp cường độ của các cuộc tấn công hiện đại, nhất là cuộc tập kích hàng trăm tên lửa và UAV của Iran gần đây vào lãnh thổ Israel. Trong cuộc chiến đó, những hệ thống phòng thủ mới hơn của Israel đã chứng minh được tính đột phá và sức mạnh.

Ông Federico Borsari, chuyên gia quốc phòng tại viện nghiên cứu Center for European Policy Analysis có trụ sở tại Mỹ, cũng tin rằng việc Israel phát triển các hệ thống chống tên lửa tiên tiến hơn đã ảnh hưởng đến quyết định ngừng sử dụng Patriot của nước này.

“Quyết định của Israel về việc ngừng sử dụng các đơn vị Patriot PAC-2 là phù hợp với quá trình hiện đại hóa và nâng cao dần dần kiến ​​trúc phòng không của nước này với các khả năng tiên tiến hơn, đặc biệt là hệ thống Vòm Sắt và David's Sling” - ông Borsari nhận định.

Ông Borsari nói rằng tên lửa Stunner của hệ thống David's Sling có tầm bắn xa hơn đối với một số mục tiêu nhất định, lên tới 300 km so với 160 km của tên lửa GEM-T của hệ thống Patriot PAC-2. Đối với các mối đe dọa đạn đạo, David's Sling và Patriot PAC-2 có phạm vi tấn công tương tự nhau, so với Patriot PAC-3 thì David's Sling có tầm bắn xa hơn.

Nhà nghiên cứu này lưu ý rằng radar ELM-2084 của David's Sling gắn trên xe tải giúp hệ thống này có thêm lợi thế cơ động và tái triển khai nhanh chóng.

“Các tên lửa đánh chặn của David's Sling cũng được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công dồn dập, nhiều mối đe dọa cùng lúc như cuộc tập kích gần đây do Iran tiến hành nhằm vào lãnh thổ Israel, nhờ tích hợp với hệ thống phòng không Vòm Sắt tầm ngắn" - ông Borsari nhận định.

Chuyên gia Ryan Bohl cũng chỉ ra rằng David's Sling có hiệu quả trong việc đánh chặn "các cuộc tấn công tầm thấp và/hoặc theo dõi đường đạn của đối phương", đồng thời lưu ý rằng tên lửa Stunner của David's Sling rẻ hơn đáng kể và do đó tiết kiệm chi phí hơn so với tên lửa Patriot.

Ukraine lại thiết tha với phòng không Patriot

Kể từ khi nhận được các hệ thống phòng không Patriot vào đầu năm 2023, Ukraine đã sử dụng thành công để bắn hạ tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga mà Moscow cho rằng không gì ngăn nổi.

Ukraine hiện vận hành từ 3 đến 5 hệ thống Patriot. Vào đầu năm nay, Ukraine đã di chuyển ít nhất 1 hệ thống Patriot ra gần tiền tuyến và bắn hạ hàng chục máy bay chiến đấu tốt nhất của Nga, theo Business Insider.

Hôm 1-5, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko đã đề xuất Israel chuyển giao những hệ thống Patriot này cho Ukraine, nhấn mạnh chúng sẽ giúp Kiev phá hủy UAV Nga do Iran sản xuất.

Vì sao Israel không mặn mà, Ukraine lại thiết tha với phòng không Patriot?
Các hệ thống phòng không Patriot ở Ba Lan vào năm 2023. Ảnh: AP

Chuyên gia Bohl nhận định: “Tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng Israel chấp nhận kịch bản chuyển những khẩu đội Patriot này trở lại Mỹ và từ đó gửi đến Ukraine. Chắc chắn, Israel sẽ xem xét điều fair play này, vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến lượng đạn pháo 155 mm rất cần thiết mà chính Israel đang yêu cầu”.

Nhà nghiên cứu Borsari cũng cho rằng điều quan trọng là Mỹ nên gửi Patriot PAC-2 của Israel cho Ukraine. Dù không đủ để bao phủ toàn bộ mặt trận, nhưng chúng sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng không của Ukraine khi Nga tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của Ukraine.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bohl, nếu không chuyển các khẩu đội Patriot này đến Ukraine, thì việc chuyển giao những hệ thống này cho các quốc gia khác như Jordan hoặc thậm chí các đồng minh Ả Rập vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain hay Saudi Arabia, thì cũng nằm trong kế hoạch tăng cường phòng không trên toàn khu vực của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm