Theo Times of India, ngày 31-7 khi được hỏi tại sao hàng hóa trong nước lại có giá cao so với các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Haribhai Parthibhai Chaudhary nói rằng hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng hóa Ấn Độ là bởi chính sách hỗ trợ không minh bạch thắng thế tại Trung Quốc.
“Các hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc được báo cáo nằm ở mức giá thấp hơn là nhờ vào chính sách hỗ trợ mơ hồ của họ và việc bóp méo chi phí của các yếu tố sản xuất” – ông Chaudhary cho biết.
Vị bộ trưởng Ấn Độ nói rằng sự tồn tại và phát triển của các công ty vừa và nhỏ lệ thuộc vào nhiều yếu tố như cải tiến công nghệ, cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận thị trường, chất lượng sản phẩm…Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các nguồn lực ngoài nước cũng là một trong các nguyên nhân gây chèn ép hàng hóa trong nước.
Một cửa hàng bán đồ Trung Quốc ở Ấn Độ. Ảnh: DAILY MAIL
Trang Quora dẫn lý giải của một số nhà quan sát cho biết Trung Quốc hạ giá thành của các hàng hóa nước này nhằm thâu tóm thị trường tại Ấn Độ. Hình thức bán phá giá được áp dụng cho vô số sản phẩm từ đồ chơi, hàng điện tử, điện thoại…
Tuyên bố của ông Chaudhary được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn ở khu vực biên giới Dokalam tăng nhiệt đột ngột trong hơn một tháng qua. Người dân Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc để ngăn chặn những động thái hung hăng của Bắc Kinh.
Tờ International Business Times (IBT) ngày 1-8 cho biết tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây còn tung lời đe dọa rằng việc người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ giáng đòn ngược lại vào nền kinh tế Ấn Độ.
“Chế độ bảo hộ chống lại hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ khiến gậy ông đập lưng ông nhằm vào nền công nghiệp Ấn Độ” – Thời báo Hoàn Cầu viết.
IBT nhận định việc cấm cửa ồ ạt sẽ có thể không mang lợi cho Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu New Delhi chỉ cho phép một số loại hàng hóa nhất định của Trung Quốc được lọt vào thị trường nước này thì đó sẽ là một cách có lợi. Đồng thời, việc giám sát chặt chẽ cũng giúp ngăn những mặt hàng kém chất lượng tuồn vào nước này.