Nhật báo The Economic Times (Ấn Độ) ngày 19-7 cho biết chính phủ Ấn Độ đã xác định ít nhất bảy tập đoàn của Trung Quốc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Các tập đoàn nói trên bao gồm: Alibaba; Tencent; Huawei; Xindia Steels Ltd - được coi là một trong những liên doanh lớn nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc; Tập đoàn Quốc tế Tân Hưng Trung Quốc (Xinxing Cathay International Group) - đã thành lập một cơ sở sản xuất tại bang Chhattisgarh, Ấn Độ; Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation) và Tập đoàn ô tô Thượng Hải, Trung Quốc (SAIC Motor) - một trong những công ty con của SAIC là Công ty ô tô Nam Kinh (Nanjing Automobile), trước đây là đơn vị bảo dưỡng xe của PLA.
Huawei - một trong những tập đoàn bị cáo buộc liên quan đến quân đội Trung Quốc. Ảnh: THE ECONOMIC TIMES / ET BUREAU
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ấn Độ cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc ở Ấn Độ.
Báo cáo năm 2019 của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung cho biết, theo chính sách hợp nhất quân - dân sự của Trung Quốc, các cơ chế được chính phủ hậu thuẫn, bao gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm, được sử dụng để tận dụng thành quả của đổi mới dân sự phục vụ cho lĩnh vực quân sự.
Các nghiên cứu nội bộ của chính phủ Ấn Độ vào năm 2018 cho thấy một số nhà đầu tư Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát đối với một số công ty khởi nghiệp Ấn Độ bằng cách tận dụng hành vi đồng đầu tư.
Thương mại điện tử, cho vay trực tuyến và truyền thông xã hội là ba phân khúc thị trường hàng đầu về số lượng công ty nhận được tài trợ của Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 6 Mỹ đã đưa ra một danh sách gồm 20 công ty mà quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt.