Theo trang tin Taiwan News hôm 1-9, trên mạng xã hội Ấn Độ xuất hiện hình ảnh bia mộ nghi của một binh sĩ Trung Quốc. Điều này làm dấy lên nghi vấn rằng trong cuộc giao tranh ở biên giới Trung-Ấn hồi tháng 6, phía Trung Quốc có tổn thất về nhân mạng.
Hơn hai tháng kể từ khi xảy ra đụng độ chết người ở biên giới giữa Trung-Ấn, ngày 29-8, người dùng mạng xã hội Twitter ở Ấn Độ đã phát hiện và và chia sẻ hình ảnh một bia mộ được đăng trên Weibo - mạng xã hội tương tự Twitter được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc.
Hình ảnh ngôi mộ. Ảnh: WEIBO
Theo hình ảnh, bia mộ này là của một binh sĩ Trung Quốc và còn rất mới. Theo tờ The Times of India, trong ngày 29-8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định những hình ảnh này đã được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc mà chưa qua kiểm duyệt.
Các dòng chữ trên bia mộ được viết bằng tiếng Trung giản thể. Cụ thể, tên người chết được viết là Chan Xianrong, chiến sĩ Đơn vị 69316 thuộc Quân khu Nam Tân Cương, Trung đoàn 13 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Bia mộ còn ghi binh sĩ Chan sinh tháng 12-2001 tại huyện Bình Nam, tỉnh Phúc Kiến và thiệt mạng trong "trận chiến đấu bảo vệ biên giới" với Ấn Độ vào tháng 6-2020. Người này đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất.
Vào ngày 15-6, một cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới hai nước tại Thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh nằm trên dãy Himalaya. Phía Ấn Độ cho biết có 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng sau cuộc va chạm. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa công bố bất kỳ thông tin nào về thương vong của quân đội mình.
Một số cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi về tính xác thực của bức ảnh, trong khi những người khác bày tỏ sự chia buồn với cái chết của liệt sĩ Chan. Tài khoản Weibo chính thức của Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật Trung ương ban đầu đăng lại bức ảnh trên trang Weibo của mình nhưng sau đó đã xóa nó, tờ UDN đưa tin.
Một số nhà phân tích cho rằng nơi mà liệt sĩ Chen tử vong không phải là Thung lũng Galwan mà là Hồ Pangong Tso. Nói về điều này, các nhà phân tích nói họ kết luận như vậy là vì hồi tháng 6, trên mạng internet đã xuất hiện một video quay cảnh quân đội Ấn Độ đánh trọng thương một binh sĩ quân đội Trung Quốc ở khu vực hồ này.
Cũng có nguồn tin cho rằng hình ảnh ngôi mộ này được chụp ở thành phố Hòa Điền thuộc khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) vì bối cảnh xung quanh bia mộ khá giống với cảnh quan ở đó.