Tờ South China Morning Post dẫn tuyên bố chính thức của quân đội Ấn Độ xác nhận tới 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và 17 binh sĩ khác bị thương do đụng độ ngày 16-6 với binh sĩ Trung Quốc tại khu vực thung lũng Galwan, phía Đông vùng Ladakh đang tranh chấp.
Tuyên bố cũng cho biết lực lượng hai bên đã rút khỏi khu vực xung đột. Hiện chưa rõ con số thương vong của Trung Quốc.
Nguyên nhân vụ đụng độ đến nay chưa được làm rõ khi hai nước tiếp tục đổ lỗi lẫn nhau.
Một binh sĩ Ấn Độ đứng gác tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở vùng Ladakh đang tranh chấp (Ảnh chụp vào tháng 2). Ảnh: AFP
Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Zhang Shuli cho rằng chính quân đội Ấn Độ phải chịu trách nhiệm khi cố tình xâm phạm biên giới và "nhiều lần tấn công khiêu khích" gây thiệt hại cho hai bên.
Ông Zhang cũng khẳng định Bắc Kinh yêu cầu Ấn Độ dừng mọi hoạt động quân sự ở biên giới để hai bên có thể quay lại bàn đàm phán theo đúng lộ trình.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava lại khẳng định lính Trung Quốc xâm phạm biên giới trước với ý định "thay đổi thực trạng hiện có" ở khu vực tranh chấp nhưng không giải thích rõ cáo buộc này.
"Cả hai bên đều phải chịu thương vong không đáng có nếu phía Trung Quốc tuân thủ đúng những thoả thuận mà lãnh đạo hai bên đã đề ra" - ông Srivastava tuyên bố.
Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh vẫn kỳ vọng giải quyết mâu thuẫn trong hoà bình nhưng chắc chắn sẽ làm mọi cách để đảm bảo toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của nước này.
Nhiều chuyên gia lo ngại vụ việc ngày 16-6 sẽ đẩy căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc lên đến đỉnh điểm.
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ thiệt hại nhiều binh sĩ như vậy khi lần đụng độ nghiêm trọng gần nhất với Trung Quốc ở biên giới vào năm 1975 cũng chỉ có bốn lính nước này tử vong.
Câu hỏi đặt ra là sắp tới New Delhi sẽ có động thái nào trả đũa Bắc Kinh hay không do Ấn Độ từng có nhiều tiền lệ tấn công đáp trả Pakistan ở vùng Kashmir đang tranh chấp.
"Có lẽ lãnh đạo hai bên sẽ tiến hành nhận định tình hình thực tế để tìm hiểu xem nguyên nhân là từ đâu. Nếu chỉ là đụng độ không có chủ đích thì hai nước có thể xem tìm cách đàm phán xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, nếu quả thực là một bên cố tình tấn công bên còn lại thì New Delhi sẽ phải cân nhắc sẽ phải cân nhắc lại bước đi của mình" - chuyên gia an ninh quốc tế Sameer Patil thuộc tổ chức nghiên cứu Gateway House (Ấn Độ).