Hôm 31-8, Ấn Độ cho biết nước này đã ngăn cản nỗ lực khiêu khích quân sự mới nhất của quân đội Trung Quốc ở khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya, tờ South China Morning Post đưa tin.
“Đêm 30-8, quân đội Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận trước đó đã đạt được với Ấn Độ sau cuộc đụng độ ở khu vực biên giới hai nước ở phía đông vùng Ladakh (bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ), đồng thời có những hành động khiêu khích để thay đổi trạng thái mà hai nước đã cam kết ở biên giới" - theo thông báo từ quân đội Ấn Độ.
Một binh sĩ Ấn Độ đứng gác tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở vùng Ladakh đang tranh chấp. Ảnh: AFP
Theo đó, phía Ấn Độ nói rằng các binh sĩ của họ đã "chặn đứng" hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biên giới.
Đáp lại, hôm 31-8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết quân đội nước này "không bao giờ vượt qua ranh giới kiểm soát thực tế".
"Cả hai bên đang liên lạc về tình hình trên thực địa" - ông Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo.
Trong nhiều tháng, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã bị kẹt trong thế đối đầu ở phía tây dãy Himalaya, nơi cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm Đường kiểm soát thực tế.
Vào tháng 6, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan (một vị trí chiến lược ở vùng Ladakh), sau đó hai bên đồng ý lui quân.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều vòng đàm phán, quân đội vẫn đối đầu ở các điểm khác, bao gồm cả hồ Pangong Tso - nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền.
Quân đội Ấn Độ cho biết cuộc chạm trán mới nhất diễn ra ven hồ này.
"Quân đội Ấn Độ đã chặn đứng động thái của Trung Quốc ở bờ nam của hồ Pangong Tso, cũng như tiến hành củng cố vị trí của mình và ngăn cản các ý định đơn phương thay đổi tình hình của Trung Quốc".
Ấn Độ và Trung Quốc đã không thể thống nhất về đường biên giới dài gần 3.500 km từng đẩy họ vào một cuộc chiến năm 1962. Cuộc giao tranh diễn ra diễn ra vào ngày 15-6 là cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa hai nước trong vòng nửa thế kỷ qua.
Quân đội Ấn Độ cho biết các lãnh đạo quân đội hai nước sẽ gặp nhau tại biên giới để giải quyết căng thẳng mới nhất.