Theo trang tin Taiwan News (Đài Loan), mạng lưới gián điệp của Trung Quốc tại Ấn Độ đang bộc lộ nhiều dấu hiệu bị lộ.
Theo đó, những vụ bắt giữ “bồ câu gián điệp”, gián điệp con người của Trung Quốc tại Ấn Độ hay những “sĩ quan tình báo” của Bắc Kinh bị bắt giữ tại Úc, Mỹ thời gian qua đang khiến Bộ Công an Trung Quốc lo ngại về nguy cơ mạng lưới gián điệp nước này bị lộ.
Trong hai năm qua, Ấn Độ đã nhiều lần phát hiện chim bồ câu bay dọc biên giới với Trung Quốc với tần suất lặp đi lặp lại. Quá trình điều tra cho thấy chúng được huấn luyện đặc biệt nhằm thu thập thông tin tại các ngôi làng của Ấn Độ gần các khu vực biên giới với Trung Quốc như làng Kaho (bang Arunachal Pradesh), thị trấn Kabithu (bang Arunachal Pradesh), làng Niti (bang Uttarakhand), thị trấn Badrinath (bang Uttarakhand), vùng núi Mana Pass (bang Uttarakhand).
Trung Quốc sử dụng "gián điệp bồ câu" tại biên giới giáp Ấn Độ. Ảnh: THETAIWANTIMES
Phía Trung Quốc sử dụng chim bồ câu nhằm thu thập thông tin, hình ảnh từ độ cao thấp, điều vốn rất nguy hiểm và dễ bị lộ nếu sử dụng máy bay hoặc máy bay không người lái.
Các thông tin sẽ truyền về máy tính của đặc vụ Trung Quốc trú ẩn trong các boongke phía bên kia Đường McMahon, giúp họ xác định các tuyến đường để đưa đặc vụ xâm nhập vào Ấn Độ.
Tình báo quân đội của Ấn Độ hôm 22-7 đã bắt giữ một công dân Ấn Độ ở Hawai - trụ sở của huyện Anjaw (bang Arunachal Pradesh) - vì nghi ngờ chuyển thông tin quan trọng cho phía Trung Quốc.
Trao đổi với Taiwan News, ông DW Thungon - Giám thị cơ quan cảnh sát tại huyện Lohit (bang Arunachal Pradesh) - cho biết trước đây người Trung Quốc thường xâm nhập vào huyện thông qua vỏ bọc là học giả nghiên cứu hay nạn nhân của sự tàn bạo của cảnh sát ở Trung Quốc.
Quân đội Ấn Độ hiện đang sử dụng loại máy bay không người lái thông minh có tên là “Bharat” (tên tiếng Hindi của Ấn Độ) trong các hoạt động phản gián bao gồm thu thập thông tin ở biên giới giáp Trung Quốc.
Đường McMahon tạo thành biên giới giữa Ấn Độ - Trung Quốc được thể hiện bằng màu đỏ. Ảnh: THETAIWANTIMES
Theo Taiwan News, phương thức tình báo con người (HUMINT) của Trung Quốc đang dần mất đi tính hiệu quả.
Các báo cáo trên phương tiện truyền thông chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận thức được điều này và đã chỉ đạo các “sĩ quan tình báo” tác động giới báo chí để viết các bài báo theo hướng có lợi cho nước này. Điều này đặc biệt được lưu ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại Houston (bang Texas) liên quan đến hoạt động gián điệp của nước này.
Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo gần đây cũng đã tiết lộ với đài Al Jazeera rằng có đến 58 quốc gia có các nhà báo bị nhân viên tình báo Trung Quốc tiếp cận và tác động để viết các bài viết có lợi cho Trung Quốc.