Ấn-Trung dàn trận UAV ở biên giới, bên nào áp đảo?

Khi Trung Quốc và Ấn Độ làm việc để giải quyết tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya, máy bay không người lái (UAV) đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc tranh chấp.

Hôm 15-7, chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đã lên kế hoạch mua thêm UAV Heron từ Israel, trong khi UAV Predator B của Mỹ cũng được đưa vào danh sách mua sắm, theo truyền thông Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ tại một trạm trung chuyển tạm thời trước khi tới vùng Ladakh. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã sử dụng UAV phổ biến trong cuộc tranh chấp kéo dài nhiều tháng với Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) – được coi là biên giới giữa hai nước, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Đầu tháng này, Trung Quốc đã công bố hình ảnh các hoạt động của binh sĩ Ấn Độ tại thung lũng Galvan (thuộc vùng Ladakh trên dãy Himalaya) – một trong những điểm nóng tranh chấp. Những hình ảnh này có thể được chụp bằng UAV.

 Ấn Độ chủ yếu mua UAV từ Israel

Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) là nhà cung cấp UAV chính cho quân đội Ấn Độ. Ấn Độ sử dụng UAV Heron và Searcher do IAI cung cấp để làm nhiệm vụ trinh sát và tấn công, trong khi UAV Harpy và Harop được sử dụng cho nhiệm vụ chống bức xạ.

Heron là UAV chiến đấu hoạt động trong thời gian dài ở độ cao tầm trung, dài 8,5 m, có thể chở theo khối lượng vũ khí và thiết bị lên tới 250 kg. Tốc độ tối đa mà Heron đạt được là 200 km/giờ. UAV này có thể hoạt động lên tới 52 giờ và ở độ cao tối đa là 10.000 m.

UAV Heron. Ảnh: DEFENSE WORLD

Trong khi đó, UAV Searcher có trần bay tối đa chỉ 6.100 m. Điều này có nghĩa là phạm vi hoạt động của Searcher bị hạn chế trên dãy Himalaya.

LAC kéo dài hàng ngàn km dọc núi Himalaya cao nhất thế giới. Một số khu vực ở Himalaya có độ cao trung bình hơn 4.000 m, trong đó có một số đỉnh núi cao hơn 8.000 m và là môi trường khắc nghiệt đối với hoạt động của các UAV.

Ấn Độ sở hữu khoảng 70 UAV Heron. Năm 2018, một UAV Heron của Ấn Độ đã vượt qua LAC gần cao nguyên tranh chấp Doklam (gần ngã ba biên giới Trung Quốc – Bhutan - Ấn Độ) và rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc. Một năm trước đó, một UAV khác của Ấn Độ cũng gặp chuyện tương tự.

Ấn Độ cũng đang phát triển cho riêng mình UAV tấn công Rustom và Rustom-II, song chưa UAV nào đi vào hoạt động.

Trung Quốc: Nhà sản xuất, xuất khẩu UAV lớn

Trái lại, Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới. Một trong những UAV được quân đội Trung Quốc sử dụng rộng rãi nhất là UAV trinh sát/tấn công GJ-2.

Chưa rõ quân đội Trung Quốc có bao nhiêu UAV GJ-2. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bán 48 UAV GJ-2 cho Pakistan dưới cái tên dành cho phiên bản xuất khẩu là Wing Loong II.

UAV GJ-2 của Trung Quốc tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2018. Ảnh: TÂN HOA XÃ

GJ-2 dài 11 m, có khả năng mang theo số vũ khí và thiết bị nặng tới 480 kg. GJ-2 có thể mang theo 12 tên lửa hoặc bom, có vận tốc tối đa là 380 km/giờ, vận tốc hành trình là 200 km/giờ và trần bay tối đa là 9.000 m. So ra, GJ-2 lớn hơn, nhanh hơn và được trang bị tốt hơn UAV Heron.

Bên cạnh GJ-2, quân đội Trung Quốc được cho là đã triển khai các UAV trinh sát/tấn công cỡ lỡn như CH-4 tại khu vực cao nguyên Tây Tạng năm 2018. CH-4 đang trong quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, UAV BZK-005C – phiên bản nâng cấp được sử dụng tại khu vực địa hình núi cao từng được phát hiện tại sân bay Lhasa (Tây Tạng) năm 2017.

BZK-005C có sức chở lên tới 300 kg, có thiết kế tối ưu hóa việc đáp xuống đường băng đất mềm .

Đầu năm nay, BZK-005C đã tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng, phóng nhiều loại bom dẫn đường và tên lửa nhằm vào các mục tiêu dưới đất, truyền thông Trung Quốc đưa tin thời điểm đó.

Ngoài những UAV chiến đấu cỡ lớn trên, quân đội Trung Quốc còn sử dụng UAV cho các mục đích khác.

Video do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải cho thấy một đội trinh sát sử dụng máy bay trực thăng bốn cánh quạt dài 20 cm trong cuộc diễn tập xâm nhập vào ban đêm ở độ cao lớn. Trong cuộc diễn tập, các lữ đoàn pháo binh triển khai UAV hạng nhẹ để phát hiện mục tiêu cách hàng chục km.

Quân đội Trung Quốc cũng sử dụng UAF để vận chuyển thực phẩm, thuốc men, đạn dược tới những vị trí mà phương tiện thông thường không tiếp cận được.

Ấn Độ bị Trung Quốc áp đảo

“UAV có thể dễ dàng tiếp cận những nơi mà con người không thể tiếp cận, giám sát những địa điểm quan trọng mà con người khó có thể tuần tra. Và Ấn Độ đang ở thế bất lợi cả về chất lượng lẫn số lượng UAV” – nhà phân tích quân sự Zhou Chenming nhận định.

“Đối với Ấn Độ, chương trình mua sắm UAV còn diễn ra chậm, số lượng UAV còn hạn chế. Ngoài ra, hiện không có UAV nào hiện đại mà giá rẻ ngoại trừ UAV của Trung Quốc. Vì thế, nếu xét về phương diện UAV ở biên giới, Ấn Độ hiện bị Trung Quốc áp đảo” – ông Zhou kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm