Nga và Mỹ đang chạy đua bán vũ khí cho Ấn Độ khi New Delhi tìm cách tăng cường nguồn cung cấp vũ khí trong bối cảnh căng thẳng quân sự đang tiếp diễn với Trung Quốc, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Chính phủ Ấn Độ tuần trước khẩn trương phê chuẩn đề xuất mua 33 máy bay chiến đấu của Nga trị giá 2,4 tỉ USD và nâng cấp thêm 59 chiến đấu cơ khác. Ngoài ra, trước đó, Ấn Độ còn ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trị giá 5,43 tỉ USD.
Ấn Độ chốt thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, theo SCMP, mối quan hệ thân thiết giữa Nga với Trung Quốc khiến một số người ở Ấn Độ hoài nghi về độ tin cậy của Nga.
Trong khi đó, Mỹ - nước đang tăng cường quan hệ với Ấn Độ thông qua chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng đang đẩy mạnh việc bán vũ khí cho New Delhi.
“Nhiều người tin rằng Ấn Độ không nên dồn tất cả vào cùng một chỗ mà hãy tiếp tục đi theo con đường trung lập để duy trì quan hệ với cả Nga lẫn Mỹ” – ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, nhà nghiên cứu và là người đứng đầu Sáng kiến chính sách Hạt nhân và Không gian thuộc Quỹ Nghiên cứu quan sát viên ở New Delhi cho hay.
Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ
Ấn Độ là khách hàng hàng đầu trong thị trường vũ khí quốc tế với hàng tỉ USD nhập khẩu vũ khí mỗi năm. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong 10 năm qua, Ấn Độ đã chi tiền mua vũ khí nước ngoài nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ kể từ thời Liên Xô. Kể từ năm 2000, Nga đã xuất khẩu 35 tỉ USD vũ khí sang Ấn Độ, chiếm hơn 2/3 trong tổng số 51 tỉ USD Ấn Độ chi ra để mua sắm vũ khí từ nước ngoài.
Xe tăng chiến đấu T-90 của Ấn Độ tại lễ duyệt binh Ngày Cộng hòa ở New Delhi hôm 26-1-2019. Ảnh: BLOOMBERG
Hầu hết các vũ khí chiến lược của Ấn Độ đều mua từ Nga. Có thể kể ra số vũ khí này gồm tàu sân bay chủ lực INS Vikramaditya có thể vận hành tiêm kích MiG-29 và máy bay Ka-31, tàu ngầm tấn công hạt nhân Chakra II, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và T-72.
Bên cạnh đó, Nga đã cấp phép cho công ty HAL của Ấn Độ chế tạo tiêm kích Su-30 MKI, máy bay chiến đấu chủ lực trong Không quân Ấn Độ. Nga và Ấn Độ cũng đã hợp tác chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân BrahMos. BrahMos được đánh giá là tên lửa nhanh nhất thế giới.
Mỹ-Ấn thắt chặt quan hệ quân sự
Trong khi đó, các thương vụ vũ khí giữa Ấn Độ và Mỹ chỉ đạt 3,9 tỉ USD trong 20 năm qua. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, Mỹ đã nhanh chóng theo kịp để vươn lên thành nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Ấn Độ, vượt qua Israel và Pháp.
Vận tải cơ Boeing C-17 của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ấn Độ đã trang bị cho quân đội vận tải cơ Boeing C-17 và C-130J. Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mua 3 tỉ USD thiết bị quốc phòng của Mỹ, trong đó có trực thăng.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ có chung mục tiêu đối phó Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Washington và New Delhi dần hình thành mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với một loạt hiệp ước quân sự chiến lược được ký kết.
Sau đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ bất ngờ leo thang, đỉnh điểm là vụ ẩu đả biên giới đêm 15-6 khiến 20 binh sĩ thiệt mạng tại thung lũng Galvan nằm giữa vùng Ladakh do Ấn Độ quản lý và cao nguyên Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.
Sự việc này càng thúc đẩy Ấn Độ khẩn trương mua vũ khí.
Đòn bẩy của Mỹ
“Người Nga hưởng lợi từ đụng độ Ấn – Trung. Tôi không nghĩ người Mỹ sẽ vui khi nhìn thấy điều này. Chính quyền Tổng thống Trump đang cố gắng hết sức để giành được thị phần lớn hơn trong thị trường vũ khí hàng tỉ USD mỗi năm này. Đây là điều họ không muốn bỏ lỡ” – ông Zhou Chenming, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh nhận định.
Giới phân tích cho rằng Mỹ có một đòn bẩy, đó Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017. Chiếu theo đạo luật, Mỹ có thể trừng phạt bất kỳ quốc gia nào thực hiện các “giao dịch đáng kể” từ 15 triệu USD trở lên với Nga liên quan tới lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Tiêm kích MiG-29 của Nga tham gia duyệt binh ở TP St.Petersburg (Nga). Ảnh: REUTERS
Ấn Độ đã đề nghị Mỹ miễn trừ trừng phạt nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
"Đó là một phần trong nỗ lực gây sức ép buộc Ấn Độ chọn vũ khí Mỹ thay vì vũ khí của Nga. Và Nga sẽ không ngồi yên. Họ cũng sẽ có hành động để giữ chân Ấn Độ” – ông Song Zhongping, cây bút bình luận quân sự ở Hong Kong đánh giá.
Đầu năm nay, Mỹ đề nghị giúp Ấn Độ phát triển siêu tiêm kích F-16, thậm chí chuyển dây chuyền sản xuất tới Ấn Độ theo đề xuất của chính phủ Thủ tướng Modi. Mỹ cũng đề xuất với Ấn Độ các hệ thống phòng thủ tên lửa khác thay thế hệ thống S-400 của Nga.
Mỹ đã bàn giao trực thăng Apache, Chinook cho Ấn Độ và số trực thăng này đang được triển khai ở Ladakh.