Tờ South China Morning Post ngày 17-6 đưa tin ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ ngày 16-6 với binh sĩ Trung Quốc (TQ) tại khu vực thung lũng Galwan, phía đông vùng Ladakh đang tranh chấp. Đến nay chưa rõ số lượng thương vong của TQ nhưng hãng tin ANI của Ấn Độ dẫn các nguồn tin nội bộ cho biết con số có thể lên tới 43.
Nguyên nhân vụ đụng độ đang tiếp tục được làm rõ, hiện chính quyền hai nước đều lên tiếng quy trách nhiệm khơi mào trước cho bên còn lại.
Kỳ lạ và đáng lo ngại
Trả lời phỏng vấn của đài BBC, biên tập viên quân sự Shashank Joshi thuộc tạp chí The Economist nhận định vụ đụng độ nói trên là điều “rất, rất tồi tệ” cho quan hệ hai bên và chưa từng có tiền lệ.
“Suốt 45 năm qua, không bên nào nổ súng. Đột nhiên gần đây lại có ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng trong một buổi tối vì một vụ đụng độ vũ lực với gạch đá và gậy gộc” - theo ông Joshi.
Truyền thông hai bên cũng đánh giá đây là lần chạm trán đẫm máu nhất khi Ấn Độ lần đầu tiên thiệt hại nhiều binh sĩ như vậy. Lần đụng độ nghiêm trọng gần nhất với TQ ở biên giới vào năm 1975 có bốn lính nước này thiệt mạng.
Trong khi đó, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon lưu ý là hành vi của TQ trong vụ việc rất đáng lo ngại và “rất khác biệt so với những diễn biến trong quá khứ”.
“Những điều chúng ta đang chứng kiến là hàng loạt vụ việc, động thái leo thang từ TQ... Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại vì nó không giống với hành vi của TQ trước đây” - ông Menon phân tích.
Đầu tháng 5, từng có thông tin là lực lượng TQ đã dựng lều, đào hào và đưa vũ khí hạng nặng vào rất sâu trong khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền ở thung lũng Galwan. Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ xây một con đường dài vài trăm kilomet kết nối với một căn cứ không quân gần đây.
Binh sĩ Trung Quốc (trái) và Ấn Độ (phải) làm nhiệm vụ ở biên giới tại vùng Ladakh đang tranh chấp vào tháng 6-2019. Ảnh: REUTERS
Ấn Độ lo ngại Trung Quốc
Về mặt chiến thuật, việc New Delhi tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới như trên có thể là nguyên nhân khiến quân đội TQ quyết định hành động ở Ladakh. Đại dịch COVID-19 có thể đã được sử dụng làm vỏ bọc để TQ hành động, đặc biệt là khi quân đội Ấn Độ phải trì hoãn các cuộc tập trận ở Ladakh vào tháng 3, theo tờ The Indian Express.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang theo dõi chặt tình hình, ghi nhận cả hai nước Ấn Độ và TQ đều muốn xuống thang căng thẳng, đồng thời đề nghị được hỗ trợ cả hai bên tìm giải pháp hòa bình. |
Về mặt chiến lược, Ấn Độ thời gian qua đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách khi bước gần hơn về phía Mỹ. Sự thay đổi này đặc biệt rõ hơn sau chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington vào tháng 9-2019 và chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump vào tháng 2.
Quan hệ của Ấn Độ với các thành viên thuộc nhóm “bộ tứ kim cương” (QUAD) đang ngày một khăng khít. Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã tham gia hội đàm trực tuyến và thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận tương hỗ hậu cần (LEMOA) hay Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST).
Trong khi đó, quan hệ Ấn Độ - TQ thời gian qua vẫn căng thẳng mặc cho quan chức hai bên khẳng định đã có nhiều bước tiến trong tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Đặc biệt, với sự trỗi dậy của nền kinh tế TQ và sức mạnh của quốc gia này tại châu Á và thế giới, cục diện giữa các cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương biến động thường xuyên hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng New Delhi, bản thân cũng là một cường quốc đang lên, luôn nghi ngại về ý đồ và thực lực của TQ, nhất là khi Bắc Kinh ngày càng khăng khít với các nước liền kề Ấn Độ như Pakistan hay Sri Lanka. Do đó, xu hướng muốn cân bằng TQ trong chính sách ngoại giao châu Á của Ấn Độ trở nên ngày càng rõ ràng hơn và đụng độ nổ ra một sớm một chiều là điều tất yếu nếu hai bên không kịp xuống thang căng thẳng.
Khó xảy ra xung đột toàn diện Ấn - Trung Hãng tin Sputnik cho biết cả Ấn Độ và TQ đều đã huy động quân sau vụ việc. Tuy nhiên, đài CNBC ngày 17-6 dẫn bình luận nhiều chuyên gia cho rằng khó có khả năng vụ đụng độ này sẽ đẩy hai nước vào một cuộc xung đột toàn diện. Chuyên gia Harsh Pant thuộc tổ chức Observer Research Foundation (Ấn Độ) nhận định vụ việc xảy ra hoàn toàn vô tình vì trước đó hai bên đang tích cực và nghiêm túc đàm phán về các giải pháp rút quân khỏi Ladakh. Đồng quan điểm, chuyên gia Kelsey Broderick tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) cũng cho rằng New Delhi và Bắc Kinh thời gian tới sẽ giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình như những cuộc đụng độ trước. Dù vậy, lần này có vẻ sẽ khó khăn hơn do người dân ở hai nước đều tỏ thái độ gay gắt về vụ việc. “Nếu đàm phán ở cấp ngoại giao và tướng lĩnh quân đội không thành công thì một cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được sắp xếp để tránh mọi việc xấu đi” - bà Broderick nhận định. |