Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã giao cho Ủy ban Tư pháp (UBTP) nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải để báo cáo, đề xuất xử lý. Nếu vụ án này được xem xét lại theo Điều 404 BLTTHS thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao được xem xét lại kể từ khi điều luật này ra đời.
Để hiểu thêm về lịch sử hình thành thủ tục đặc biệt này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm đầu tiên của UBTP khi mới tách ra từ Ủy ban Pháp luật của QH, nhiệm kỳ 2007-2011.
Giám sát vụ án cụ thể: Vất vả, dễ va chạm
. Phóng viên: Thưa bà, là chủ nhiệm đầu tiên của UBTP, bà thấy việc giám sát tư pháp, nhất là giám sát những vụ án cụ thể có những khó khăn gì?
+ Bà Lê Thị Thu Ba: Ủy ban Pháp luật trước đó thì đã thực hiện chức năng giám sát tư pháp rồi. Nhưng với vụ việc cụ thể thì chỉ với những vụ mà dư luận bức xúc, báo chí phản ánh nhiều thì mới làm.
Tôi hiểu rằng tách Ủy ban Pháp luật ra để lập riêng UBTP là vì QH thấy tư pháp là mảng công tác quan trọng, cần giám sát sâu hơn, toàn diện hơn. Mình là chủ nhiệm đầu tiên, với bộ máy mới như thế thì phải quyết liệt để mọi người cùng vào guồng, bớt đi ngại ngần.
Ban đầu, Thường trực UBTP cũng ngại lắm vì giám sát vụ án cụ thể rất vất vả, dễ va chạm. Nhưng tôi thuyết phục, rồi anh em thống nhất là phải làm để đáp ứng kỳ vọng của QH. Nhờ đó, khóa đầu tiên của UBTP đã tích cực, chủ động phát hiện các vụ án mà quá trình xử lý có sai sót, quyền lợi của người dân chưa đảm bảo để giám sát cụ thể, chứ không phải thành điểm nóng rồi mới giải quyết.
. Hồi đó có còn tranh cãi gì nhiều về việc QH nên hay không giám sát vụ việc cụ thể?
+ Trong UBTP thì thống nhất rồi. TAND Tối cao, VKSND Tối cao thì những vụ việc mà UBTP giám sát cụ thể họ cũng chấp hành nghiêm túc. Nhưng bên ngoài đâu đó vẫn chưa thực sự đồng tình việc giám sát vào vụ án cụ thể ấy.
Tôi lập luận với họ: Hiến pháp quy định QH thực hiện giám sát tối cao đối với Nhà nước, bao gồm cả hoạt động của các cơ quan tư pháp, đâu có phân biệt giám sát chung với giám sát cụ thể. Mà phải giám sát cụ thể mới đánh giá được tình hình chung. Chứ còn cưỡi ngựa xem hoa thì QH sẽ chỉ thấy rừng cây xanh tốt mà không biết trong đó có những khu vực mục ruỗng, sâu mọt.
Tất nhiên, UBTP không thể làm thay, mà tập trung chủ yếu vào những vụ việc người dân khiếu nại dai dẳng, quyết liệt, cơ quan tố tụng chưa giải quyết đến nơi đến chốn, có tính chất điển hình thôi.
. Thái độ của tòa, viện với việc giám sát vụ án cụ thể thế nào? Cách thức phối hợp ra sao để cho kết quả tốt nhất?
+ Hồi đấy, giám sát vụ việc sôi động lắm. Có tháng hai lần UBTP mời các cơ quan liên quan sang cùng xem xét hồ sơ các vụ án mà bên này còn băn khoăn.
Nhìn chung, giám sát vụ việc cụ thể là hoạt động thường xuyên. Thường trực UBTP khi giao ban hằng tháng bao giờ cũng có nội dung yêu cầu các nhóm theo dõi báo cáo tình hình thụ lý đơn thư, nghiên cứu hồ sơ, kết quả nhắc nhở, đôn đốc các cơ quan tố tụng trả lời công văn của ủy ban.
TAND Tối cao, VKSND Tối cao giai đoạn ấy phối hợp rất tích cực. Họ đều hiểu lý do, nhiệm vụ mà vì đó QH phải lập UBTP. Họp nghiên cứu hồ sơ án là vì lợi ích của dân, chứ không phải quyền anh, quyền tôi, thắng hay thua. Tôi nhớ là những việc nào mà UBTP giám sát, thấy cần kháng nghị thì khi đề nghị sang, chánh án, viện trưởng đều chấp thuận.
Phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN
Án “đụng trần” nhưng còn sai sót
. Có vụ việc nào căng thẳng đến mức phải báo cáo, đề xuất lên Ủy ban Thường vụ QH không, thưa bà?
+ Vụ việc nào mà thấy chiều hướng căng thẳng thì tôi báo cáo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, người phụ trách lĩnh vực tư pháp. Có lần như vậy, anh Lưu sang chủ trì họp và sau đó các cơ quan tố tụng đều thống nhất được hướng giải quyết. Cho nên chưa có vụ nào mà tình hình có vẻ phức tạp như vụ Hồ Duy Hải này.
. Trong giám sát vụ án cụ thể, bà có gặp phải những vụ mà quá trình xử lý đã “đụng trần”?
+ Có một số việc như vậy, chẳng hạn TAND Tối cao đã giải quyết rồi nhưng vẫn phát hiện sai sót, hoặc hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm mà lỗi không phải ở người dân. Có những vụ nhà, đất ở TP.HCM, Hà Nội giá trị quy đổi hàng trăm tỉ mà dân oan ức lắm.
Có những vụ, cả hình sự, cả dân sự mà sau khi UBTP giám sát thì tòa, viện đều thấy sai nhưng lúng túng không biết sửa thế nào. Rồi cũng có tranh luận là công lý phải có điểm dừng, chứ lật đi lật lại, xử mãi sao được…
Nhưng rồi qua tranh luận, thảo luận thì đi đến đồng thuận là phải tìm cách khắc phục. Có trường hợp lẽ ra phải kháng nghị giám đốc thẩm nhưng thời hạn hết rồi nên phải tìm cớ nào đó kháng nghị tái thẩm.
Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu, UBTP của QH, viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, chánh án TAND Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó. (Khoản 1 Điều 404 Chương XXVII Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, BLTTHS 2015) |
Thủ tục đặc biệt để sửa sai
. Quá trình thảo luận để đến thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao diễn ra như thế nào?
+ Từ thực tế giám sát vụ việc cụ thể của Ủy ban Pháp luật khóa trước và sau đó là UBTP thì tôi đặt vấn đề là phải có cái van để tháo gỡ những vụ án đã xét xử “đụng trần” rồi mà sau đó phát hiện ra sai sót nghiêm trọng. Lãnh đạo TAND Tối cao lúc đó đồng tình về quan điểm thôi nhưng băn khoăn là nếu QH mà tham gia vào thủ tục đặc biệt ấy thì có đi ngược nguyên tắc độc lập của tư pháp.
Quá trình thảo luận sau đó đi đến thống nhất là Việt Nam không theo mô hình tam quyền phân lập, QH mới là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền giám sát tối cao. Chức danh đứng đầu TAND, VKSND do QH bầu ra và QH có UBTP để giám sát tư pháp. Với lại, nguyên tắc chung trong tổ chức quyền lực nhà nước là phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Trong lúc chất lượng hoạt động tố tụng còn nhiều vấn đề như thế thì hình thành một cơ chế pháp lý để sửa chữa sai sót là cần thiết.
Với tinh thần ấy, khi TAND Tối cao chủ trì soạn thảo Luật Tố tụng hành chính 2010 thì QH thống nhất có một chương “thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao”. Đến năm 2011, cũng TAND Tối cao chủ trì sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự thì cũng đưa thủ tục đặc biệt ấy vào.
. Thưa bà, tại sao lúc ấy không bổ sung luôn thủ tục đặc biệt này vào BLTTHS?
+ Vì chương trình làm luật lúc đó ưu tiên xây dựng mới Luật Tố tụng hành chính, thay cho pháp lệnh ban hành trước đó 15 năm. Ngoài ra, dân sự là mảng vướng mắc nhiều nhất cũng được ưu tiên sửa đổi. Vì kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự cũng như hành chính đều có thời hạn, nhiều khi việc hết thời hạn ấy là do lỗi của tòa, viện.
Còn tố tụng hình sự thì có nguyên tắc rất rõ là kháng nghị theo hướng có lợi hay minh oan cho bị can thì không có thời hạn. Với lại, lúc đó các ngành đã có ý định tổng kết để sửa đổi toàn diện các luật tố tụng. Nếu thủ tục đặc biệt kia mấy năm áp dụng mà không vướng mắc gì thì bổ sung sau chưa muộn.
Theo tinh thần ấy, năm 2015, QH sửa đổi căn bản để thành ba luật, bộ luật mới về tố tụng hành chính, tố tụng hình sự (chương XXVII), tố tụng dân sự (chương XXII) như bây giờ.
. Xin cám ơn bà.
Đột phá từ Luật Tố tụng hành chính 2010 Được nâng lên từ Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996, Luật Tố tụng hành chính 2010 có một chương về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (chương XV). Đến Luật Tố tụng hành chính 2015, điều này được quy định tại chương XVII. Theo đó, khoản 1 Điều 287 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH; b) Theo kiến nghị của UBTP của QH; c) Theo kiến nghị của viện trưởng VKSND Tối cao; d) Theo đề nghị của chánh án TAND Tối cao. |