Công trình gây sự cố: Phải ngừng thi công vô thời hạn?

Vừa qua, hàng loạt công trình xây dựng ở TP.HCM, nhất là các cao ốc có tầng hầm xây chen trong khu dân cư gây sự cố nứt tường, sụt lún các công trình lân cận. Theo Nghị định 180 ngày 7-12-2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, công trình vi phạm phải ngừng thi công. Mức bồi thường do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền kiện ra tòa. Công trình chỉ được tiếp tục thi công khi các bên đạt được thỏa thuận về bồi thường. Thực tế việc bồi thường không đơn giản chút nào. Nhiều trường hợp chủ đầu tư phải ngừng thi công vô thời hạn vì chờ kiểm định hoặc bị “nạn nhân” gây khó.

“Nạn nhân” không cho kiểm định: Bó tay!

Thông thường, nếu các bên thỏa thuận được mức bồi thường và tự nguyện thực hiện thì không còn gì để bàn. Nếu các bên không thỏa thuận được từ đầu thì thường phải thuê đơn vị kiểm định mức thiệt hại làm cơ sở để thỏa thuận bồi thường.

Khâu kiểm định mất nhiều thời gian và khá rắc rối. Điều 115 Luật Xây dựng quy định thanh tra xây dựng có quyền yêu cầu giám định những nội dung có liên quan đến chất lượng công trình trong trường hợp cần thiết. Thế nhưng thực tế việc này thường do các bên tự thỏa thuận lựa chọn. Cơ quan quản lý chỉ thẩm định về mặt năng lực của đơn vị kiểm định. Chẳng hạn, vụ thi công công trình 14 Phan Tôn (quận 1, TP.HCM) làm ảnh hưởng đến hộ lân cận, Sở Xây dựng có văn bản yêu cầu các hộ dân chủ động thuê tổ chức tư vấn để kiểm định, đánh giá nguyên nhân, giải pháp, chi phí khắc phục thiệt hại và báo tên đơn vị này cho sở biết. Vụ chung cư số 5 Nguyễn Siêu bị nghiêng do thi công cao ốc Sài Gòn Residences (11D Thi Sách, quận 1), các bên cũng toàn quyền trong việc thỏa thuận công ty kiểm định. Kết quả kiểm định lần đầu không được các hộ dân trong chung cư đồng thuận mà yêu cầu phải thuê đơn vị khác tái kiểm định... Có trường hợp phía bị ảnh hưởng kiên quyết khóa cửa, không cho đơn vị được thuê vào kiểm định. Do đó đến nay, việc kiểm định vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Nếu không có kết quả kiểm định thì chưa thể xác định nguyên nhân sự cố do đâu, thiệt hại bao nhiêu. Một khi chưa thỏa thuận bồi thường xong thì công trình không thể tiếp tục thi công. Điều này gây nguy hiểm cho các công trình bị ảnh hưởng vì không được chống đỡ, sửa chữa kịp thời. Không những thế, công trình vi phạm cũng xuống cấp, hầm hố đang đào, tường, cột... đang thi công dang dở phải nằm “chịu trận”, làm cho chủ đầu tư bị thiệt hại nặng về kinh tế.

Cơ quan quản lý sẽ cầm còi?

Mới đây, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc trên. Sở Xây dựng đề xuất nếu các bên không thỏa thuận được trong việc chọn đơn vị kiểm định thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ đứng ra chỉ định tổ chức kiểm định. Nếu việc kiểm định vẫn không thực hiện được do một bên cản trở thì Sở sẽ hướng dẫn các bên khởi kiện đòi bồi thường tại tòa án.

Trong trường hợp đơn vị kiểm định xác định được nguyên nhân gây ra sự cố, nếu chủ đầu tư đề xuất được phương án thi công an toàn, không để sự cố tiếp diễn và được tổ chức tư vấn xác nhận thì được phép thi công tiếp một phần hoặc toàn bộ công trình dù chưa đạt được thỏa thuận bồi thường. Việc sửa chữa, xây dựng lại công trình bị ảnh hưởng cũng phải được ưu tiên thực hiện. Nếu không đồng ý với kết quả kiểm định hoặc chi phí bồi thường, các bên có quyền khởi kiện ra tòa.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm