Chiêu thức lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản tuy không mới nhưng cách thức hoạt động ngày càng tinh vi và luôn có nạn nhân mới “sập bẫy”.
Nếu nghi ngờ có bất thường, người dân cần đổi ngay mã PIN, mật khẩu thẻ ngân hàng. Ảnh minh họa
Tiền “không cánh mà bay”
Tại quận Thủ Đức (TP.HCM), chỉ trong vòng một tháng công an đã tiếp nhận khoảng 10 vụ trình báo của người dân, có vụ người dân bị lừa với số tiền lên đến cả tỉ đồng.
Theo cơ quan công an, các chiêu thức lừa đảo này diễn ra rất tinh vi, chỉ cần người dân nhẹ dạ cả tin thì kẻ gian liền nắm bắt cơ hội để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, tối 18-3, anh LQT (ngụ quận 12) rao bán xe hiệu Chevrolet với giá 347 triệu đồng trên mạng Chotot.vn.
Ít phút sau, anh T. nhận được cuộc gọi Zalo tên “Long OPIPO" tự xưng là Long muốn đặt cọc 20 triệu đồng để mua và yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng. Anh T. cung cấp số tài khoản và làm theo hướng dẫn thì lập tức tài khoản bị trừ 95 triệu đồng.
Tương tự, vào tối 27-3, chị Phan TT (ngụ phường Linh Đông, Thủ Đức) bị một người đi xe máy giật điện thoại rồi tẩu thoát. Ngày 28-3, chị T. đi làm lại SIM điện thoại và đăng nhập vào dịch vụ Internet Banking ngân hàng thì phát hiện tài khoản mất 50 triệu đồng do chuyển đến tài khoản lạ của một người không quen biết.
Một trường hợp khác là chị NTBQ (phường Linh Đông, Thủ Đức), ngày 16-4 chị có kết bạn và trò chuyện với tài khoản Zalo tên “Sam Annie” (tự xưng là công dân Úc). Người này cho biết muốn làm từ thiện tại Việt Nam nhưng do đang bệnh nặng nên nhờ chị nhận 900.000 USD để trao cho các quỹ từ thiện.
Đến 20-4, một người tự xưng là nhân viên hải quan gọi cho chị thông báo có một gói hàng gửi từ Úc về. Người này yêu cầu chị Q. chuyển 18 triệu đồng vào số tài khoản 10797397 mang tên Huynh Le Tan Duc để thông quan gói hàng trên.
Đến trưa cùng ngày, chị Q. nhận được cuộc gọi khác yêu cầu gửi 106 triệu đồng để đóng phí phạt. Nghi ngờ bị lừa nên chị Q. đã đến công an trình báo.
Chiêu thức cũ, nạn nhân mới
Xưng công an lừa đảo qua điện thoại là hình thức lừa đảo không mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người dân tiếp tục bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạn hàng tỉ đồng.
Ngày 13-4, anh Nguyễn PD (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) nhận cuộc gọi của người tự xưng là Dương Minh Hùng, công tác tại Công an Đà Nẵng thông báo anh có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền.
Người này yêu cầu anh D. mua một SIM điện thoại, đăng ký thông tin cá nhân, đăng ký tài khoản Internet Banking tại một ngân hàng và cung cấp toàn bộ thông tin đó cho mình.
Ngày 14-4, anh D. đến ngân hàng chuyển số tiền hơn 1.9 tỉ đồng cho Hùng. Sau khi chuyển tiền anh D. biết mình bị lừa nên đã trình báo công an.
Khi nghe những cuộc điện thoại lạ, người dân cần thận trọng, tránh bị mất tài sản. Ảnh minh họa
Hay như ngày 17-4, chị Trần Thị MH (ngụ phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) nhận được cuộc điện thoại từ số máy 80021340894 cho biết chị đang có một bưu phẩm chưa nhận và yêu cầu chị bấm phím 9 để được hướng dẫn.
Người này nói chị H. có đăng ký tài khoản thẻ tín dụng tại một ngân hàng ở Đà Nẵng và nợ 49 triệu đồng. Khi chị H. phủ nhận thì được nối máy cho gặp người tự xưng là thiếu úy Nguyễn Tuấn Anh, công tác tại Công an Đà Nẵng.
Để tạo sự tin tưởng, người tự xưng là thiếu úy trên đã gửi thẻ ngành, hình ảnh công an qua Zalo cho chị H. xem. Đồng thời cho biết chị H. có liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy của Nguyễn Minh Long và Phạm Minh Thư với số tiền 2,8 tỉ đồng nên đề nghị chị phối hợp điều tra.
Tiếp đó người này gửi cho chị H. đường link yêu cầu tải app, nhập tất cả các thông tin về các số tài khoản, tên đăng nhập và password vào app. Tuy nhiên, chiều tối cùng ngày, chị H. phát hiện mất khoảng 100 triệu đồng nên trình báo cơ quan công an.
Cũng với chiêu thức tương tự, chị Lê Thị HL (ngụ phường Tân Phú, quận 9) đã bị mất 449 triệu đồng khi làm theo hướng dẫn của những đối tượng lừa đảo.
Hiện các vụ việc trên đang được công an xác minh, điều tra và truy xét người lừa đảo.
Các biện pháp người dân cần lưu ý tránh bị lừa đảo Để người dân không bị mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo, Công an quận Thủ Đức đã phát đi thông báo khuyến cáo đến mọi người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Theo công an, người dân cần nói không với các hình thức cho mượn thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, hộ khẩu...), cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hay truy cập hay tải các web, đường link không rõ nguồn gốc. Đặc biệt không ký khống các giấy tờ thiếu nội dung, giấy ủy quyền chưa ghi thông tin người được ủy quyền; không tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP của ngân hàng và chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại dưới bất kỳ tình huống nào. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần che mã PIN khi rút tiền tại ATM, đổi mã PIN khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường hoặc đổi sang thẻ CHIP để bảo mật thông tin. Người dân cũng cần kiểm tra kỹ các thông tin sau khi giao dịch gửi tiết kiệm, check QR code, kiểm tra thông tin của đối tác nhận trước khi thực hiện thanh toán mua hàng. Theo một cán bộ công an, người dân khi nghe những cuộc điện thoại xưng công an nhưng có sự vòi vĩnh thì hãy dập máy ngay và không thực hiện các giao dịch hay cung cấp bất kỳ thông tin gì. Trên Internet, người dùng không đăng nhập tài khoản Facebook và thậm chí là tài khoản ngân hàng ở những trang web xa lạ. Đồng thời không cung cấp thông tin riêng tư quá nhiều trên mạng và nên sử dụng những chương trình diệt virus có chức năng bảo đảm an toàn kết nối trên mạng. |