Vẫn lo về chuyện nhân sự!

Hôm qua (22-1), trong hội nghị triển khai công tác năm 2008 của ngành tòa án, nhiều vấn đề trọng tâm đã được mổ xẻ như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán, cán bộ ngành...

200 thẩm phán “nợ” bằng đại học luật

Theo Phó Chánh án thường trực TAND tối cao Đặng Quang Phương, vẫn còn một số cán bộ, thẩm phán thiếu trách nhiệm, sa sút về phẩm chất, thiếu ý thức rèn luyện, sa đọa, thoái hóa biến chất nên không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Năm 2007, có 35 cán bộ, thẩm phán bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và 11 thẩm phán tòa án địa phương chưa được xem xét để bổ nhiệm lại làm thẩm phán vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Báo cáo của TAND tối cao cũng chỉ rõ hiện còn hơn 200 thẩm phán TAND cấp tỉnh và cấp huyện chưa có bằng đại học luật, thuộc diện được nợ tiêu chuẩn về trình độ theo quy định. Thẩm phán có trình độ trên đại học hoặc có trình độ cử nhân luật chính quy tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh đồng bằng.

Ông Phương cho biết các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên, dù đội ngũ thẩm phán về cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thẩm phán nhưng phần đông đều trưởng thành từ thực tiễn và được đào tạo theo phương thức tại chức. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều thẩm phán còn bị động, lúng túng trong việc điều khiển, xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa và đánh giá chứng cứ.

Để giải quyết tồn tại này, theo ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, ngành tòa án đã áp dụng nhiều biện pháp như đào tạo nâng cao, đào tạo lại, cử đi nghiên cứu ở nước ngoài. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất trong thời điểm này là tổ chức các hội nghị chuyên đề khoa học gắn với thực tiễn công tác xét xử.

Chậm xem xét giám đốc thẩm

Theo thống kê, từ 1-10-2006 đến 30-9-2007, TAND tối cao và TAND cấp tỉnh phải giải quyết hơn 12.500 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong đó riêng TAND tối cao phải giải quyết hơn 11.600 đơn. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của công dân chưa được xem xét, giải quyết kịp thời còn khá nhiều như TAND tối cao mới xem xét, giải quyết được khoảng 70%. Bên cạnh đó, thủ tục, trình tự tiếp nhận, phân loại giải quyết đơn còn chưa thật sự khoa học, việc trả lời đơn cho đương sự trong một số trường hợp chưa cụ thể, thiếu thuyết phục, làm đương sự tiếp tục khiếu nại khiến việc giải quyết kéo dài, thậm chí trở thành bức xúc, nổi cộm. Cá biệt, có hơn 40 trường hợp các tòa chuyên trách TAND tối cao trả lời là không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng sau đó Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao đã kháng nghị.

Trước đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh tòa hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế từng thẳng thắn nói hiện có cả tình trạng “chạy” kháng nghị và “chạy” để không kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm. Được hỏi về thực tế này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định: “Nếu thấy có tiêu cực thì đương sự, tổ chức, cơ quan báo chí cứ cung cấp cho ngành tòa án hoặc trực tiếp gửi thẳng cho chánh án. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc, nếu thực sự có tiêu cực nhận tiền, hối lộ thì cương quyết xử lý hình sự”. Ông Bình cho biết ngành tòa án đã đẩy mạnh thanh tra nội bộ, giải quyết các đơn thư tố cáo để xác định tiêu cực và đang có cuộc vận động làm theo lời dạy của Bác là “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Tăng thời hạn bổ nhiệm thẩm phán?

Tới dự hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Ngành tòa án cần thực hiện tốt yêu cầu của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp để nghiên cứu, xây dựng các đề án thành lập tòa án sơ thẩm khu vực, tòa án phúc thẩm, tòa án thượng thẩm; các đề án về đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND tối cao, tòa án quân sự. Bên cạnh đó là các đề án về mở rộng nguồn bổ nhiệm và tăng thời hạn bổ nhiệm thẩm phán, tiền lương, chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ, thẩm phán, bảo đảm cụ thể hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để xây dựng hệ thống tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ ngành tòa án cần khẩn trương tập trung nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu không để xảy ra các vụ xử oan, sai nghiêm trọng; khắc phục bằng được việc để quá hạn xét xử các vụ án và hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị sửa, hủy. Tòa án các cấp cần làm tốt việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên xử, tăng cường hòa giải trong việc giải quyết án dân sự; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức công tác xét xử và làm tốt công tác giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót về nghiệp vụ trong hoạt động xét xử. TAND tối cao cần làm tốt nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về nghiệp vụ xét xử.

Những câu nói đáng chú ý

- Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: Các nước đặt vị trí thẩm phán rất cao như ở TAND tối cao thì lương ngang với bộ trưởng, còn ở mình chỉ mong lương gấp đôi hiện tại đã là đáng phấn khởi rồi.

- Chánh tòa kinh tế TAND tối cao Đỗ Cao Thắng: Các cấp tòa chưa chú trọng nhiều đến hình thức của bản án. Nhiều khi án viết dài nhưng vấn đề chính không thể hiện được, thậm chí có bản án không viện dẫn được điều luật vận dụng về nội dung đã xét xử, trừ điều luật tố tụng về thẩm quyền.

- Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM: Xử lưu động vẫn phải bảo đảm sự uy nghiêm của phiên tòa trong khi nhiều nơi hiện không có phòng xử. Tòa đang nghị án, thấy có ai giật giật áo, quay lại thì nhận được lời mời: “Mua vé số đi chú”...

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm