Tại buổi tiếp xúc ngày 26-4, nghi vấn về biệt thự của ông Tam đã được công khai đặt ra và nhiều cử tri đã đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công an làm rõ có hay không việc ông Tam được Vũ “nhôm” tặng biệt thự này.
Dấu hỏi về nguồn gốc sở hữu biệt thự thực ra đã có từ trước đó. Từ một số thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, dư luận đã dậy lên nhiều đồn đoán. Bởi lẽ biệt thự hạng sang bậc nhất Đà Nẵng ấy có diện tích hơn 1.000 m2, ước lượng giá thị trường là hơn 100 tỉ đồng - một tài sản vô cùng lớn so với lương và phụ cấp của một giám đốc công an.
Biệt thự của nhà Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Ảnh: HN
Trả lời báo chí, bên cạnh việc bác bỏ “không phải do Vũ “nhôm” tặng”, ông Tam chỉ đơn thuần khẳng định mình là chủ nhân của căn biệt thự. Còn các thông tin chi tiết về biệt thự mà nhiều người muốn biết như có được kê khai, công khai đầy đủ theo đúng quy định hay không, có là kết quả từ những nguồn tiền hợp pháp nào đó hay không… thì ông không nói gì thêm. Điều đáng nói là ẩn số về nguồn gốc tài sản của ông Tam không hề là cá biệt.
Chưa biết “của chìm” thế nào nhưng với những bất động sản “chính chủ” mà báo chí phát hiện được thì phải thấy nhiều cán bộ của mình quá giàu, giàu không tưởng tượng nổi!
Một nữ cựu trưởng phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mới công tác vài năm đã có biệt thự nhiều tỉ đồng; một bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam sở hữu căn biệt thự lộng lẫy hết biết ở một khu đô thị; một cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái có trong tay rất nhiều nhà, đất, trong đó có biệt phủ rộng mênh mông. Và giờ thì biệt thự của giám đốc Công an TP Đà Nẵng không phải chục tỉ mà là trăm tỉ…
Đối với biệt phủ của cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng “chua chát”: “Nếu đồng lương của một quan chức cấp tỉnh thì đến cả trăm năm cũng không thể làm được khối tài sản hoành tráng như thế”. Còn sau vụ xôn xao về biệt thự của giám đốc Công an TP Đà Nẵng, một tiến sĩ đưa ra con số biết nói: “Với cán bộ, lương khoảng 30 triệu đồng/tháng, nhẩm tính cũng phải mất 277 năm mới có 100 tỉ. Vậy lấy tiền đâu xây biệt thự hàng trăm tỉ đồng?”.
Rất tiếc là những thắc mắc chính đáng như trên thường không có lời giải thuyết phục - mặc cho những điều tiếng, bức xúc, sỉ vả… không chỉ liên quan đến danh dự, uy tín của các cá nhân mà còn cho chính cơ quan, đơn vị của người đó và hơn thế nữa là cho cả bộ máy chính quyền. Người trong cuộc đa phần im lặng hoặc có khi có những ngụy biện khó nghe. Còn các cơ quan chức năng thì ngay cả khi đã thanh tra, điều tra, kể cả có án tòa cũng không cho ra được kết quả xác đáng.
Vụ một cựu nhà báo vừa bị TAND TP Yên Bái xử phạt ba năm tù do đã dùng lời nói cưỡng đoạt của giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh 200 triệu đồng để không viết bài về dinh thự của ông cho thấy rõ khiếm khuyết này.
Tại phiên tòa, HĐXX có kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xem xét xử lý về mặt đảng đối với vị giám đốc ấy. Dường như đây là lần đầu tiên tòa án yêu cầu xử lý người bị hại không phải theo quy định của pháp luật mà là theo quy định, điều lệ Đảng. Thế nhưng ông có dấu hiệu sai phạm gì trong vụ việc thì tòa lại không nêu. Thành ra chẳng trách mọi người tiếp tục hồ nghi “nếu thực sự ngay ngắn, có tài sản hợp pháp thì cớ gì ông giám đốc phải hoang mang, phải “cúng” cho nhà báo một số tiền không nhỏ” và tới đây liệu mọi chuyện có là đóng cửa bảo nhau khiến công chúng thêm những lần mất niềm tin?
Theo thông tin mới nhất thì ông Tam đã có báo cáo giải trình về tài sản. Vậy với việc xây dựng một chính phủ liêm chính, liệu có thể tin rằng hai câu hỏi “nguồn gốc tài sản ấy ở đâu ra và xử lý chúng như thế nào?” sẽ phải có câu trả lời và tất nhiên là không chỉ dành riêng cho biệt thự của giám đốc Công an TP Đà Nẵng.