'Án tham nhũng lớn hay nhỏ đều có can thiệp gửi gắm'

Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, tại hội nghị về phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng ngày 13-5.

Theo ông Vân, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Đà Nẵng đã đưa ra xét xử 15 vụ với 24 bị cáo, không có vụ án nào xử treo. “Đối với loại án này, nếu có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt mới xem xét giảm, còn những tình tiết đơn giản như nhân thân tốt thì cũng không giảm”.

Ông Vân dẫn ra thực tế đối với các vụ án côn đồ, lưu manh trộm cắp hay giết người thì các cơ quan tố tụng làm rất nhanh. Nhưng đụng đến án tham nhũng thì nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau, dẫn đến vụ án kéo dài. Có một thực tế là không có vụ án tham nhũng nào mà không có can thiệp. Dù vụ án lớn hay nhỏ thì cũng nhờ người này, người nọ để mong “thoát án”.

Ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, nêu những vướng mắc trong xử lý tham nhũng.

Theo đại diện Công an TP Đà Nẵng, trong 10 năm qua đã tiếp nhận 50 vụ án tham nhũng, trong đó khởi tố 12 vụ với 23 bị can. Các lĩnh vực phát sinh tham nhũng liên quan đến đất đai, ngân hàng, đầu tư công và các dự án thuộc dòng vốn ngân sách. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận một vấn đề là việc điều tra, xử lý án tham nhũng còn vướng nhiều chỗ. “Trình độ điều tra án tham nhũng của cán bộ còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Thứ hai là những vướng mắc trong luật cũng gây nhiều cản trở” vị  này nói.

Hiện công an còn năm vụ án tham nhũng chưa hoàn thành được do vướng khâu giám định. Ngoài ra, quan điểm của các cơ quan tố tụng đánh giá về hành vi tham nhũng cũng khác nhau. Đại diện Công TP Đà Nẵng đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng và cơ quan giám sát phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc thường xuyên phải thực hiện. Ở mình, tình trạng tham nhũng phổ biến, tràn lan nhưng là tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân. Ông Xuân Anh yêu cầu phải đẩy nhanh xử lý các vụ án tham nhũng, không buông xuôi, nể nang hay né tránh. Không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng. Trường hợp nào phát hiện có đầy đủ chứng cứ vững chắc thì xử lý ngay. “Đồng chí nào "dính chàm" rồi thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đừng chạy chọt, tác động này nọ, không có cơ hội đó đâu” - ông Anh nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu xử lý nhanh các vụ án tham nhũng. Ảnh: TT

Tại hội nghị, ông Xuân Anh cũng yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường tiếp nhận thông tin tiêu cực, tham nhũng từ người dân. Đây là tai mắt để phát hiện ra tham nhũng, lãng phí. Các thông tin xử lý phải được minh bạch, công khai, không giấu diếm. Ngoài việc xử lý cán bộ vi phạm thì cũng phải xử lý người đứng đầu. Ông Xuân Anh lấy ví dụ, nếu giám đốc sở bị xử lý hình sự liên quan đến tham nhũng thì lãnh đạo UBND cũng phải chịu trách nhiệm. Còn nếu để xảy ra phá rừng như vừa rồi (vụ phá rừng Sơn Trà) thì chắc chắn giám đốc Sở NN&PTNT cũng phải bị xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới