Luật và đời

Án tù của Nguyễn Đức Chung và quy định pháp luật

(PLO)- “Nộp 85 bằng khen/giấy khen, bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm 1 năm tù”. Nhiều người thắc mắc, bàn luận về phán quyết phúc thẩm nói trên của TAND Cấp cao tại Hà Nội đối với cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Nộp 85 bằng khen/giấy khen, bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm 1 năm tù”. Nhiều người thắc mắc, bàn luận về phán quyết phúc thẩm nói trên của TAND Cấp cao tại Hà Nội vào chiều 13-7 vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng… liên quan đến cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đúng, sai thế nào?

Trước hết, cần nói cho đầy đủ quãng đời làm công chức, cán bộ của bị cáo Chung không chỉ có bằng khen, giấy khen. Theo ghi nhận của tòa cấp phúc thẩm, bị cáo Chung còn có huân chương, huy chương là hai hình thức khen thưởng cao nhất theo Luật Thi đua, khen thưởng. Cùng với đó, bị cáo còn từng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là loại danh hiệu vinh dự nhà nước dành cho cá nhân có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa ngày 11-7. Ảnh: UYÊN TRANG
Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa ngày 11-7. Ảnh: UYÊN TRANG

Tòa cấp phúc thẩm cũng ghi nhận bị cáo Chung đã ăn năn hối cải khi từ kêu oan chuyển sang thừa nhận hành vi sai phạm; bị cáo và gia đình đã nộp thêm 15 tỉ đồng (cộng với 10 tỉ đồng đã nộp trong giai đoạn sơ thẩm) để khắc phục toàn bộ hậu quả.

Căn cứ vào các yếu tố kể trên, tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận giảm án cho bị cáo Chung từ ba năm tù xuống còn hai năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Như vậy, khi đối chiếu với 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được liệt kê ở khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 thì có thể cho là bị cáo Chung có thêm hai tình tiết giảm nhẹ so với ở phiên sơ thẩm. Đó là “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” (điểm s), “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” (điểm v).

Nếu tình tiết của điểm s dễ dàng cho ra cách hiểu chung thì tình tiết ở điểm v đang gây mơ hồ cho nhiều người bởi lẽ như thế nào là “có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”.

Luật Thi đua, khen thưởng hiện tại phân định nhiều hình thức khen thưởng khác nhau và điều cần lưu ý không hẳn phải có nhiều thành tích vượt trội thì mới được khen thưởng.

Theo luật này, huân chương dành cho người có thành tích xuất sắc, đặc biệt xuất sắc ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật… Huy chương dành tặng cho sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức… làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân có thời gian cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bằng khen được Thủ tướng Chính phủ, cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương tặng cho người có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua. Giấy khen được thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, chủ tịch UBND huyện, xã… tặng cho người có thành tích được bình xét trong phong trào thi đua.

Theo đó, phải chăng chỉ những người có huân chương, các danh hiệu vinh dự nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước, bằng khen… thì mới được xem là “có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu hoặc công tác” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm v? Ngược lại, nếu chỉ có huy chương hay giấy khen thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ đó? Nếu trong sản xuất, chiến đấu, công tác là vậy, còn trong học tập thì phải dựa theo tiêu chí nào?

Đến nay, gần năm năm trôi qua kể từ thời điểm BLHS trên có hiệu lực pháp luật vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tình tiết giảm nhẹ nêu tại điểm v nói trên. Thực ra trước đây tình tiết này từng được hướng dẫn tại Nghị quyết 01 ngày 4-8-2000 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, nghị quyết này hiện đã hết hiệu lực do BLHS 1999 đã hết hiệu lực, theo quyết định công bố ngày 8-10-2021 của TAND Tối cao.

Chính vì chưa có hướng dẫn chi tiết mà các cơ quan tố tụng đang có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau về điểm v này.

Đơn cử như trong vụ án Út “trọc” (biệt danh của bị cáo Đinh Ngọc Hệ, cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị xét xử tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức vào năm 2018), tòa án quân sự cấp sơ thẩm không chấp nhận việc bị cáo Út “trọc” có huân chương, huy chương, bằng khen của Bộ GTVT là có tình tiết giảm nhẹ. Lý do được đưa ra: Các hình thức khen thưởng này được xét tặng trong thời gian bị cáo sử dụng tài liệu giả.

Ở phiên xử phúc thẩm, mặc dù đại diện VKS đề nghị công nhận đó là tình tiết giảm nhẹ do chưa có cơ quan có thẩm quyền nào hủy bỏ các hình thức khen thưởng ấy nhưng Tòa án quân sự Trung ương vẫn không đồng ý và đã giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Trở lại trường hợp của bị cáo Chung, khi bị cáo có thêm đến hai tình tiết giảm nhẹ (cùng với việc khắc phục hết thảy hậu quả), trong đó có việc thỏa mãn cấp độ cao quy định của điểm v ở chỗ được tặng huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước thì có thể nhận thấy quyết định giảm án của tòa cấp phúc thẩm là xác đáng.

Mặc dù vậy, những băn khoăn quanh vụ án này và những vụ án khác có liên quan đến tình tiết “có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” rất cần được sớm giải tỏa bằng văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan pháp luật thực thi thống nhất, tránh tùy nghi, thiếu thuyết phục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm