Ngoài việc lên án hành vi của anh công an là phản cảm, là vượt quá giới hạn cần thiết khi người bán hàng rong chỉ vùng vằng, anh đã ra đòn nặng tay, thì cũng có ý kiến cho rằng anh làm vậy là đúng. Những ý kiến bênh vực cho rằng khi anh công an mặc sắc phục, đang thi hành công vụ mà người kia vẫn không chấp hành tức là thách thức quyền lực công cộng. Có người còn viện dẫn quy định của nước ngoài, chỉ cần có hành vi bị nghi ngờ là chống đối thì cảnh sát có quyền nổ súng để cho rằng việc anh cảnh sát ra đòn là đúng.
Ảnh cắt từ clip.
Việc trấn áp hành vi chống đối để giữ kỷ cương và bảo vệ tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ là cần thiết. Nhưng nó hoàn toàn không phải mặc nhiên ở mọi cấp độ, mà cần có giới hạn.
Người dân có thể làm những gì luật không cấm, còn công chức, cán bộ nhà nước trong phạm vi công vụ của mình chỉ được làm những gì luật cho phép. Đó là giới hạn của công vụ. Giới hạn ấy nhằm ngăn chặn những hành vi lạm quyền, gây thiệt hại cho lợi ích công. Tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi ngành, lĩnh vực và mỗi quốc gia có những giới hạn khác nhau. Nếu sai phạm, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả do sự lạm quyền gây ra, cán bộ công chức có thể bị xử lý kỷ luật, sa thải hoặc xử lý hình sự.
Để tăng tính khả thi của các quy định này, mỗi ngành, mỗi cơ quan lại có những quy định và quy trình riêng. Cán bộ công chức căn cứ vào đó để tuân thủ. Muốn vậy phải hiểu, phải nhớ, phải tự mình rèn luyện để việc hành xử trong giới hạn trở thành phản xạ có điều kiện. Những cuộc học tập, quán triệt, tập huấn cho nhân viên là nhằm mục đích ấy.
Quay trở lại câu chuyện trên, căn cứ vào những gì được ghi nhận trong clip thì anh CSKV hoàn toàn có thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của hành vi phản kháng của anh bán hàng rong. Rõ ràng sự nguy hiểm là không có, anh ta chỉ muốn vùng vằng để bỏ đi mà không bị giữ xe hay xử phạt, sự tương quan lực lượng của hai bên cũng chênh lệch. Và việc của anh cảnh sát là ngăn chặn, xử lý chứ không phải là trừng phạt.
Được huấn luyện bài bản và có nhận thức bình thường thì anh phải hiểu mức độ nguy hiểm của cú giật tay, gạt chân khiến nạn nhân đập ngửa đầu xuống đường. Chúng ta tin anh cảnh sát chỉ nóng tính, và không có yếu tố trục lợi cá nhân khi làm thế; việc anh cảnh sát đến bệnh viện túc trực chăm sóc anh hàng rong, bỏ tiền ra ứng viện phí cũng cho thấy anh nhận thức được lỗi của mình. Anh cũng đã bị đình chỉ công tác, sếp anh nhận định anh đã làm sai.
Ở mức độ nào đó, chúng ta có thể thông cảm cho lý do sai phạm của anh cảnh sát. Nhưng tuyệt nhiên không thể cho rằng anh ấy đúng. Bởi sự xuê xoa có thể trở thành tiền lệ của sự lạm quyền. Thái độ của dư luận cũng là căn cứ để ngành công an cân nhắc khi định lượng hình thức xử lý.
Bởi khi đã vượt giới hạn, thì hành vi ấy không còn là công vụ nữa.