Một ngày đầu tháng 11, ông Phạm Văn Thanh (90 tuổi) ngồi xe lăn đến nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ông nguyên là phó ban Phân ban Nông thôn (Thành ủy TP.HCM), nguyên bí thư Huyện ủy Thủ Đức (TP.HCM). Trong suốt cuộc đời làm cán bộ của mình, điều khiến ông trân quý và tự hào nhất là nghe mọi người gọi ông là: “Anh Hai xóa đói giảm nghèo”.
Dân xin “cần câu” cơm chứ không xin cá
Ngày còn trẻ, ông Hai Thanh xung phong vào bộ đội tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nếu không có người dân bao bọc, che chở, lo cho từng miếng cơm manh áo thì ông và đồng đội đã không thể chiến đấu đến ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Chính vì thế, sau khi đất nước thống nhất, ông luôn tự nhắc mình phải nhớ đến cái ơn của người dân đã cưu mang, bảo bọc mình.
Khi được điều về làm bí thư huyện Thủ Đức và sau đó là phó ban thường trực Phân ban Nông thôn, ông Thanh luôn trăn trở trước đời sống của dân. Cứ đến dịp lễ, Tết ông đến nhà để thăm hỏi, tặng quà và động viên người dân. Một lần, có người dân đã khóc mà nói với ông: “Mỗi lần xuống thăm, anh Hai đều cho quà. Tấm lòng của anh và Nhà nước tui cảm ơn nhiều lắm nhưng không lẽ tui cứ nhận quà, nhận trợ cấp hoài? Có cách nào để tụi tui tự lo cho mình, thoát cái nghèo không hả anh Hai?”.
Câu nói của người dân cứ hoài khắc trong tâm trí ông Hai Thanh. “Người dân luôn muốn tự nuôi sống mình bằng lao động của chính mình, vậy một cán bộ như tôi phải làm gì để người dân tự lo được miếng cơm, manh áo của họ và gia đình” - ông Hai Thanh trăn trở.
Ông Phạm Văn Thanh (tức Hai Thanh, trái) gửi gắm tâm tư của mình với ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
Yên lòng vì lo được bát cơm cho dân
Vì cái ơn với dân nghèo, ông Hai Thanh đã tự gánh vào mình trách nhiệm phải làm sao để người dân có bữa cơm no đủ, thoát nghèo. Ông tự mò mẫm và nghiệm ra một điều: Để các hộ dân thoát nghèo trước hết phải cho họ “cần câu” tự nuôi sống mình.
Từ đó, ông xác định được hướng đi cụ thể cho chương trình xóa đói giảm nghèo của mình. Ông cũng nhận ra rằng trước tháng 10-1991, việc giúp các hộ nghèo được thực hiện theo hình thức bà con giúp đỡ lẫn nhau, nhà nào muốn trồng tỉa, chăn nuôi gì thì hàng xóm phụ giúp. Tuy nhiên, việc này chỉ mang tính đơn lẻ, chưa tạo ra được một phong trào rộng khắp thành phố.
Làm cán bộ phải thiện lương Điều tôi mong muốn là một khi đã chọn làm cán bộ, người đó phải hiểu rõ trách nhiệm của mình với đời sống của người dân. Đã là cán bộ thì đừng có làm bậy. Biết rõ trách nhiệm của mình, làm gì cũng xuất phát từ sự thiện lương mới có thể phục vụ tốt cho dân được! Ông Phạm Văn Thanh |
Đến năm 1992, các mô hình đã hoạt động tốt hơn. Thời điểm này tham luận của ông Hai Thanh về chương trình hành động để đưa người dân thoát khỏi đói nghèo tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM được mọi người chú ý. Sau đại hội, Thành ủy TP.HCM cho phép thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo tại các huyện ngoại thành. Phân ban Nông thôn của Thành ủy chuyển thành Văn phòng Ban xóa đói giảm nghèo của thành phố. Một trong những bước đi đầu tiên của thành phố chính là thí điểm mô hình vận động tương trợ hộ nghèo vượt khó ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Sau đó mô hình được nhân rộng sang các xã còn lại của huyện Củ Chi, tiếp đến là các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh..., rồi tiếp tục thực hiện ở các phường có nông nghiệp của quận 8, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình... Chỉ qua sáu tháng thực hiện, TP đã huy động được số vốn trên 4 tỉ đồng, tạo động lực giảm nghèo bằng cách trực tiếp tác động từ các chính sách để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tự tổ chức cuộc sống vươn lên.
“Lúc đó, nhiều địa phương khác cũng đã cử cán bộ tới để học tập mô hình và chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố, nhờ vậy mà chương trình dần lan tỏa ra khắp cả nước” - ông Hai Thanh nhớ lại.
Ở tuổi 90, ông Hai Thanh tự nhận sức khỏe của mình ngày một yếu dần. Ấy thế, mối quan tâm của ông dành cho vấn đề xóa đói giảm nghèo của thành phố vẫn còn đó.
Suốt cuộc trò chuyện, ông Hai Thanh luôn lặp đi lặp lại một điều: “Chúng ta sống ở hiện tại, phải hướng đến tương lai. Đã qua rồi một thời kỳ khó khăn nhưng tôi vẫn mong thế hệ sau này đừng lãng quên quá khứ. Hướng đến tương lai nhưng hãy nhìn về quá khứ để biết trân trọng những giá trị mà thế hệ cha anh đã đổ mồ hôi, xương máu để tạo dựng. Hãy sống sao cho xứng đáng với những giá trị tốt đẹp đó”.
Nhắc về ông Hai Thanh, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, chia sẻ khi ông còn làm cán bộ ở huyện Củ Chi đã nghe đến cái tên “anh Hai xóa đói giảm nghèo”. “Còn nhớ từ năm 1992, chương trình xóa đói giảm nghèo khởi xướng ở Củ Chi thì chú là người rất tích cực, rất tâm huyết. Cũng từ sau đó mà chương trình giảm nghèo được nhân rộng ra nhiều nơi khác trong thành phố” - ông Tấn nói. Cũng theo ông Tấn, hơn 25 năm qua, từ chương trình xóa đói giảm nghèo ban đầu mà hàng trăm ngàn hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp bằng nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo thiết thực, vươn lên thoát nghèo theo chuẩn nghèo thành phố; nhiều hộ sau khi vượt nghèo cũng tự nguyện quay lại giúp những người nghèo khó hơn mình. |