Ngày 16-7, trong cuộc họp tại Auckland (New Zealand), Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh - bà Kemi Badenoch đã ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo hãng tin AP.
Tại cuộc họp, bà Badenoch cho biết: “Chúng tôi vinh dự trở thành thành viên mới đầu tiên của CPTPP, được tham gia vào cộng đồng gồm 12 nền kinh tế trải dài khắp châu Á, Thái Bình Dương và bây giờ là châu Âu”.
“CPTPP là một thỏa thuận hiện đại và đầy tham vọng. Việc chúng tôi trở thành thành viên của CPTPP là bằng chứng cho thấy Anh đang rộng cửa chào đón doanh nghiệp” - bà Badenoch nói.
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh - bà Kemi Badenoch (phải) gặp Thủ tướng New Zealand - ông Chris Hipkins bên lề cuộc họp của CPTPP hôm 16-7. Ảnh: AP |
Theo bà Badenoch, “CPTPP sẽ giúp phát triển nền kinh tế Anh và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm". Đối với Anh, đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà nước này đạt được kể từ khi rời Liên minh châu Âu.
Thủ tướng New Zealand - ông Chris Hipkins cho rằng việc Anh trở thành thành viên của khối là một tin tuyệt vời.
“Thương mại không chỉ là ưu tiên, mà còn là điều cần thiết để phục hồi kinh tế của chúng tôi. Đồng thời, thương mại cải thiện cuộc sống và sinh kế của tất cả người dân New Zealand” - ông Hipkins nói.
Theo ông Shigeyuki Goto - Bộ trưởng Kinh tế Nhật, việc Anh trở thành thành viên CPTPP sẽ củng cố khối.
Anh nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 2-2021. Trải qua 2 năm đàm phán, tháng 3-2023, chính phủ Anh tuyên bố đã đạt được thỏa thuận gia nhập khối.
Theo thông cáo của chính phủ Anh, sau khi thỏa thuận gia nhập được ký, chính phủ Anh sẽ thực hiện các khâu cần thiết để phê chuẩn Hiệp định CPTPP, dưới sự giám sát của nghị viện Anh. Trong thời gian này, các nước thành viên khác của CPTPP cũng sẽ có các bước điều chỉnh luật để phù hợp với việc Anh gia nhập khối.
Trước khi Anh gia nhập, CPTPP có 11 thành viên, bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Khối thương mại này có hơn 500 triệu dân và chiếm 15% nền kinh tế thế giới.