Hãng tin Politico dẫn nguồn tin nội bộ 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ ra quyết định cho phép Anh gia nhập nhóm trong tuần này. Trong cuộc họp trực tuyến hôm 29-3, các trưởng đoàn đàm phán và quan chức cấp cao từ các nước thành viên đã nhất trí rằng Anh đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên chính thức.
Thành viên mới đầu tiên của CPTPP
Sau khi gia nhập, Anh sẽ là quốc gia mới đầu tiên tham gia CPTPP từ khi hiệp định này hình thành vào năm 2018. Các thành viên hiện tại của nhóm là Úc, Brunei, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Canada.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sự tham gia của Anh, một trong những cường quốc kinh tế với trình độ phát triển hàng đầu thế giới, sẽ không chỉ mang lại cơ hội tuyệt vời về thương mại và đầu tư cho mỗi nước, mà còn khẳng định vị thế của CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế khu vực của thế kỷ 21.
Anh tham gia CPTPP cũng đồng nghĩa nước này có thể đảm bảo các tiêu chuẩn về yêu cầu tiếp cận thị trường của thỏa thuận, tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật cũng như các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và tư nhân.
Gia nhập CPTPP cho phép Anh được miễn thuế thương mại khi giao thương với một loạt quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là nếu Hàn Quốc và Thái Lan cũng tham gia trong tương lai. Bước đi cũng sẽ gắn kết Anh về mặt địa chính trị với khu vực như được đề ra trong chiến lược chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia gần đây của London.
Nhật được cho là nước dẫn đầu nỗ lực hỗ trợ Anh gia nhập nhóm từ lúc Anh bắt đầu nộp đơn gia nhập lần đầu năm 2021.
Ngoài ra, Politico nhận định việc Anh và Canada đạt được thỏa thuận xuất khẩu nông sản hồi đầu tháng này cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Anh được tán thành gia nhập.
Canada trước đó đã đề nghị Anh mở cửa thị trường thịt bò cho doanh nghiệp nước này và hỗ trợ sản phẩm Canada tiếp cận thị trường Anh như đã làm với các thành viên CPTPP khác là Úc và New Zealand.
Tàu chở hàng ra vào TP cảng Felixstowe của Anh hồi tháng 2. Ảnh: AFP |
Chiến thắng lớn cho thương mại toàn cầu
Theo hãng tin Reuters, London đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ đầu năm 2018 nhằm kích thích xuất khẩu trong giai đoạn hậu Brexit. Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ nỗ lực thiết lập các mối quan hệ đối tác mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân.
“Việc đăng ký gia nhập CPTPP thể hiện quyết tâm của Anh muốn hợp tác với bạn bè và đối tác trên khắp thế giới trong điều kiện tốt nhất, đồng thời đóng góp và ủng hộ tích cực nền thương mại tự do toàn cầu” - ông Johnson nói.
Trong bài viết mới đây cho tờ The Telegraph, Cố vấn chính phủ Anh Shanker Singham nhận định đây là lần đầu tiên một quốc gia lớn trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) như Anh đã chọn tham gia một nhóm hợp tác khu vực không phải vì nước này là một phần của khu vực đó, mà vì thỏa thuận này đại diện cho xu hướng tự do hóa sâu sắc và tiên tiến nhất dựa trên sự công nhận ngang hàng nhau giữa các nước thành viên.
Ông cho rằng CPTPP ngày càng chứng minh nó là một khuôn khổ tự do có thể thay thế Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ đó giúp tối đa hóa cạnh tranh về mặt pháp lý. Hiệp định cũng là một nhóm địa kinh tế và địa chính trị có tác động lớn đến cách thức hoạt động của các hiệp định thương mại toàn cầu.
“Giờ đây, CPTPP không chỉ là một hiệp định khu vực, nó có khả năng đối trọng với hệ thống WTO đang bị suy yếu và hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho hệ thống này” - ông Singham khẳng định.
Với việc Anh trở thành thành viên mới nhất của CPTPP, CPTPP+UK sẽ có sức nặng kinh tế tương đương với Liên minh châu Âu (EU)-UK. Điều này có thể làm Mỹ cân nhắc lại việc tái gia nhập hiệp ước sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi CPTPP hồi năm 2017. Trong kịch bản Mỹ gia nhập thành công thì CPTPP sẽ là một khối chiếm khoảng phân nửa nền kinh tế toàn cầu.
“Đang nổ ra một cuộc đua giành quyền định hình hệ thống kinh tế thế giới và việc gia nhập CPTPP của Anh sẽ là chiến thắng cho những người tin vào một hệ thống mà mỗi quốc gia được tôn trọng và cạnh tranh bằng sức lực” - ông Shanker Singham nhấn mạnh.•
Sau đơn xin gia nhập của Anh là Trung Quốc
Theo Politico, một quan chức từ một quốc gia thành viên CPTPP giấu tên cho biết các chính phủ thành viên nhận định rằng việc cho Anh gia nhập sẽ tạo tiền lệ pháp lý cho những nước và vùng lãnh thổ xin gia nhập sau và đơn xin gia nhập ngay sau Anh là Trung Quốc (TQ). Các cuộc đàm phán với Anh chỉ mất hơn hai năm và về cơ bản đã cho các nước thành viên thời gian để trì hoãn việc xem xét các đơn xin khác, bao gồm TQ. Nói cách khác, sau khi chốt xong việc cho Anh gia nhập, các nước thành viên CPTPP giờ đây phải xét đến đơn của TQ.
TQ đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9-2021, với Đài Loan theo sau chưa đầy một tuần sau đó. Ecuador, Costa Rica và Uruguay là những ứng viên khác và Hàn Quốc đã bày tỏ ý định tham gia.
Hiện các thành viên CPTPP bị chia rẽ quanh việc cho phép TQ tham gia hiệp định. Singapore là nước ủng hộ TQ mạnh nhất, còn Nhật là nước phản đối gay gắt nhất. Úc cũng bày tỏ lưỡng lự với việc cho phép TQ tham gia bởi nước này và TQ đang căng thẳng thương mại.
Giám đốc Phòng Nghiên cứu kinh tế Đông Á thuộc ĐH Quốc gia Úc - TS Shiro Armstrong cho biết việc cho Anh gia nhập sẽ là phép thử trong nỗ lực mở rộng CPTPP. Các cuộc đàm phán để cho phép TQ tham gia hiệp định này sẽ mất nhiều thời gian hơn vì tính phức tạp của các vấn đề liên quan.
“Các thành viên CPTPP có lợi khi đàm phán với TQ nhưng phải đưa ra rõ ràng những cải cách mà TQ sẽ cần thực hiện và thực hiện điều đó mà không làm xói mòn các quy tắc và tiêu chuẩn của hiệp định” - ông Armstrong cho hay.
TS Armstrong cũng cho biết mỗi thành viên của CPTPP đều có quyền phủ quyết đối với các ứng viên mới và nếu TQ tham gia, cần phải làm rõ rằng Bắc Kinh không thể ngăn cản Mỹ tham gia hiệp định vì lý do chính trị.