Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott nhận định việc cho phép Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là chất xúc tác để Mỹ tham gia “sân chơi” thương mại này.
Theo hãng tin AAP, phát biểu trong một cuộc điều trần liên bang ngày 30-9, ông Abbott cho biết không có rào cản nào đối với việc Anh tham gia CPTPP, mặc dù nước này không thuộc khu vực Thái Bình Dương.
Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott. Ảnh: AAP
“Không có gì phải bàn cãi khi đưa Anh vào CPTPP, và tôi hy vọng nó sẽ diễn ra càng sớm càng tốt” – ông Abbott nói.
“Việc kết nạp Vương quốc Anh sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng CPTPP là một thực thể hướng ngoại mong muốn chào đón tất cả quốc gia muốn tự do thương mại tham gia hàng ngũ của mình” – ông cho biết thêm.
Cựu Thủ tướng Úc giữ vai trò cố vấn cho Hội đồng Thương mại của Anh, bất chấp những tranh cãi về việc bổ nhiệm ông vào vai trò này.
Ông Abbott cho biết việc kết nạp nước Anh có thể là một cách để chào đón Mỹ trở lại, sau khi Tổng thống Mỹ nhiệm Donald Trump rút lại sự ủng hộ của Washington đối với tiền thân của thỏa thuận này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
“Một trong những tiếc nuối lớn nhất của chúng tôi là Mỹ về sau đã không tham gia TPP. Tôi hy vọng sự gia nhập của Anh sẽ là chất xúc tác để Mỹ xem xét lại việc không trở thành thành viên của mình” – ông nói.
Hôm 22-9, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan nhận định khả năng Mỹ tham gia một hiệp định thương mại tự do kỹ thuật số khu vực sẽ là bước đầu tiên có khả thi nhất để Washington gia nhập CPTPP, tờ Financial Review đưa tin.
Theo ông Tehan, thỏa thuận kỹ thuật số sẽ cải thiện luồng dữ liệu xuyên biên giới, quyền sở hữu trí tuệ, khả năng tương thích hệ thống kỹ thuật số, bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng, các tiêu chuẩn kỹ thuật số và quyền truy cập mở đối với dữ liệu của chính phủ.
Hiệp định CPTPP đã được 11 nước gồm Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam ký kết vào tháng 3-2018 và có hiệu lực vào cuối năm đó, sau khi được hầu hết các nước phê chuẩn.
Một quốc gia muốn trở thành thành viên của hiệp định này buộc phải có sự ủng hộ nhất trí của các quốc gia thành viên.
Giữa tháng này, Trung Quốc và Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Ông Abbott nêu bật những lo ngại về khả năng tham gia hiệp định này của Trung Quốc.
“Không có cách nào để Trung Quốc được phép tiếp cận CPTPP cho đến khi nước này chí ít bãi bỏ việc tẩy chay thương mại đối với Úc. Điều cuối cùng chúng ta cần là sự hội nhập sâu hơn nữa của Trung Quốc vào trật tự kinh tế thế giới” – ông nói.
Cựu Thủ tướng Úc không đề cập Đài Loan, nhưng nhà lãnh đạo Thái Anh Văn ngày 29-9 thừa nhận sẽ phải vượt qua một số “vấn đề chính trị” trong nỗ lực gia nhập CPTPP.
Bà Thái không nói rõ các “vấn đề chính trị” mà Đài Loan đang đối mặt là gì, nhưng theo giới quan sát, đó chính là sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc đối với việc hòn đảo này tham gia một hiệp định thương mại đa phương, do Bắc Kinh lâu nay vẫn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm.