Đài Loan thừa nhận đối mặt ‘vấn đề chính trị’ trong nỗ lực tham gia CPTPP

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Trung ương đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền ngày 29-9, bà Thái nói rằng trong nỗ lực xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đài Loan phải làm việc với “các bên cùng chí hướng và các thành viên hiện tại” của tổ chức này, do “thực sự có một số vấn đề chính trị”.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền Đài Loan khẳng định việc tham gia CPTPP có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế hòn đảo, và điều quan trọng là người dân Đài Loan phải hiểu và ủng hộ quá trình này, trang Focus Taiwan đưa tin.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: FOCUS TAIWAN

Các vấn đề khác, chẳng hạn như mức độ mở cửa thị trường của Đài Loan và các vấn đề kỹ thuật đều có thể được giải quyết dần dần, bà Thái cho biết, theo một tuyên bố được đăng tải trên trang web của DPP.

Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào ngày 22-9, sáu ngày sau khi Trung Quốc có hành động tương tự.

Đơn xin gia nhập CPTPP của Đài Loan được nộp dưới cái tên “Lãnh thổ thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hổ, Kim Môn và Mã Tổ”, định danh mà hòn đảo này cũng sử dụng với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Thách thức chính trị mà Đài Loan phải đối mặt trong nỗ lực tham gia CPTPP mà bà Thái đề cập được cho là sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh.

Cũng trong ngày 29-9, phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc Zhu Fenglian đã lập lại sự phản đối của Trung Quốc đối với việc Đài Loan gia nhập CPTPP.

Trung Quốc không ủng hộ việc Đài Loan trở thành thành viên trong bất kỳ khối thương mại khu vực nào và sự tham gia của hòn đảo này vào bất kỳ hiệp định thương mại song phương nào, bởi vì “chỉ có một Trung Quốc, mà Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm” – theo bà Zhu.

“Việc Đài Loan gia nhập WTO với tư cách là một Lãnh thổ thuế quan riêng biệt không tạo nên tiền lệ cho việc Đài Loan tham gia hiệp định thương mại tự do khu vực hoặc hiệp ước thương mại tự do song phương” – hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Zhu nhấn mạnh tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.

Hiệp định thương mại tự do CPTPP đã được 11 nước gồm Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam ký kết vào tháng 3-2018 và có hiệu lực vào cuối năm đó, sau khi được hầu hết các nước phê chuẩn.

Các nền kinh tế trong khối CPTPP chiếm 13,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, trị giá tổng cộng 10,6 nghìn tỉ USD và bao gồm 499 triệu dân, theo thông tin trên trang web của chính phủ Úc và New Zealand.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm