Ánh mắt trẻ thơ chực chờ ngày tới trường

Các em nhỏ ở đây đều không được đến trường, có em thì đang đi học ở dưới quê nhưng cũng nghỉ ngang để lên đây cùng cha mẹ. Việc học của các em luôn trong tình trạng bị gián đoạn theo bước chân mưu sinh của cha mẹ.

Ở đó có lớp học tình thương do đoàn phường tổ chức mang tên Vườn ổi, bởi nó nằm trong một vườn ổi của người dân ở xóm trọ nơi đây. Đây là điểm sinh hoạt duy nhất dành cho các em có thể học tập và vui chơi đúng với tuổi thơ của mình. Chúng tôi đến thăm các em vào một ngày cuối tháng 8. Nhiều em nhỏ trong xóm mặc đồng phục Trường Vườn ổi chạy đùa khắp nơi. Bộ đồng phục các em mặc trên người là do đoàn phường phát tặng để động viên các em bước vào một mùa học mới.

Các em nhỏ ở lớp học Vườn ổi thích thú với những màn ảo thuật. Ảnh: THANH TUYỀN

Em Nguyễn Thị Ngọc Mai cùng mẹ ở Kiên Giang lên đây đã hơn một năm nay, việc học hành của em cũng bị ngưng từ đó. Ở lớp tình thương, Mai học lớp 3. Mai bảo em thích đến lớp học vì thầy cô ai cũng gần gũi. Em Kiều Oanh (quê ở Cà Mau, học lớp 2) tay cứ mân mê bộ váy mới của mình. Oanh bảo em chưa được mặc đồng phục đi học bao giờ. “Vườn ổi là trường của em rồi đó. Bộ đồng phục này em thích lắm, lúc nào đi học em sẽ mang nó” - Oanh nói trong niềm háo hức.

Hôm rồi, đoàn phường có tổ chức một sân chơi nhỏ dành cho các em với nhiều màn ảo thuật, trò chơi cùng một vài gian hàng ẩm thực. Ngồi xem ảo thuật, em Đỗ Vĩnh Khang (sáu tuổi) thích thú: “Trước giờ em không biết là có mấy trò như chú kia làm, sao mấy chú làm hay quá”…

Buổi vui chơi hôm đó được các em xem như là buổi khai giảng dành riêng cho mình trong năm học mới này. Không tiếng trống, thầy cô chưa có, sách vở cũng chưa được chuẩn bị… nhưng khát khao được đi học cứ rực cháy trong ánh mắt của các em. Nhiều em nhao nhao hỏi khi nào thì lớp học bắt đầu lại sau những ngày hè.

Bích Quyên (quê Cà Mau, vừa mới lên đây được vài ngày) thắc mắc: “Mùa học mới tới rồi mà em không được tiếp tục đến trường cùng các bạn ở dưới quê vì ba mẹ phải dắt em theo đi mần ăn xa trên này. Em có được học ở đây không chị?”.

Tôi không trả lời vội nhưng tôi tin người ta sẽ có cách để tất cả các em được đến trường và vào đời bằng chữ nghĩa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới