Anh Sáu Thảo: Bồ tát của những người nghệ sĩ

Anh Sáu Thảo


Những người đồng nghiệp không giấu được nghẹn ngào khi tham gia lễ viếng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Nói về ông Dương Đình Thảo (Sáu Thảo), ông Dương Đình Bá (81 tuổi), một trong những người đầu tiên cùng làm việc tại Thông tấn xã giải phóng (cơ quan truyền thông của Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ Đức) lặng người. 

Với ông, "anh Sáu Thảo" không chỉ là đồng nghiệp mà còn là người anh, người bạn, người thầy. 

Giải thích về bí danh Dương Đình Thảo, ông Bá cho biết: “Dương là họ vợ, Đình là tên một người bạn chiến đấu thân thiết của anh Thảo ngày ấy và Thảo là tên em gái. Nhưng mọi người vẫn gọi anh với cái tên thân thiết là anh Sáu Thảo. Vợ anh ấy là con thứ sáu nên anh bảo, cứ gọi là anh Sáu Thảo”.

Dẫu vẫn biết sinh lão bệnh tử là chuyện chẳng ai thoát khỏi nhưng sao vẫn thấy xót xa.

Ông Bá ngậm ngùi kể chuyện: “Trong công việc anh Sáu Thảo là người rất nghiêm khắc, còn ngoài đời thường rất thoải mái, giản dị, chân tình. Trước mỗi lần phát biểu, anh chuẩn bị rất kỹ càng, viết chỉnh sửa suốt đêm rồi mới đưa cho anh Nguyễn Hữu Thiện và tôi dịch. Cũng là tuyên truyền về cách mạng Việt Nam, về chiến tranh phi nghĩa nhưng mỗi bài phát biểu, anh lại làm một bản riêng, không phải cứ có mỗi bài rồi đọc đi đọc lại hoài. Anh bảo đọc vậy vừa chán mà dễ trật đối tượng”.

Trong ký ức của những người đồng nghiệp năm xưa, ông Sáu Thảo gần gũi chân tình lắm. “Hồi đó cơ quan mới thành lập ở Đức, phòng bé. Lên xe ngồi chẳng bao giờ ông câu nệ ngồi trước ngồi sau. Làm mệt thì lăn ra sàn ngủ dưới thảm cùng anh em, chẳng bao giờ phân biệt lính sếp”.

Bồ tát của những người nghệ sĩ


Nghệ sĩ Bạch Tuyết lặng người bên linh cữu của ông Sáu Thảo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Lặng lẽ đến trước linh đường, nghệ sĩ Bạch Tuyết chầm chậm quỳ xuống. Với bà và giới nghệ sĩ cải lương, ông Sáu Thảo được mệnh danh là Bồ tát. Thời điểm cách mạng tiếp quản Sài Gòn, nhiều nghệ sĩ thời điểm đó không khỏi lo lắng.

“Ông chẳng giải thích nhiều, chỉ làm thôi. Nhưng từ những hành động nho nhỏ chẳng hạn những nghệ sĩ lớn tuổi bệnh, ông gọi điện thoại trực tiếp cho giám đốc Sở Y tế dặn dò chăm sóc chu đáo, ông để chúng tôi biết rằng chính quyền cách mạng rất trân trọng giới nghệ sĩ.

Ông thu phục người khác bằng cái chân tình. Làm sai là ông la nhưng ông la đúng nên không đứa nào dám giận. Ông nhớ từng câu trong Truyện Kiều như thế nào, những tác phẩm lớn của Văn học Việt Nam thời điểm đó ông thuộc nằm lòng nên ông chửi đứa nào đứa nấy im re. Ngày tôi sang Anh đi học, tủi thân lắm, không người thân thiết. Sáu tháng sau, nhận được thư ông mà tôi không dám tin đó là sự thật. Ông động viên thăm hỏi như người anh trai với người em gái, đó là người thứ hai viết thư cho tôi ngày tôi sang Anh”.

Chiều tối dòng người vẫn lặng lẽ xếp hàng vào nhà tang lễ viếng ông. Những vòng hoa tang thành kính trang trọng tiễn đưa một người con ưu tú về nơi an nghỉ cuối cùng. 

 

Dòng người xếp hàng trong lễ viếng ông Dương Đình Thảo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ông Dương Đình Thảo tên thật là Nguyễn Văn Lợi sinh ngày 2-1-1924 tại Sài Gòn, Gia Định. Ông từ trần vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 15-1-2017 (nhằm 18 tháng Chạp năm Bính Thân), thượng thọ 94 tuổi, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Lễ tang ông Dương Đình Thảo bắt đầu từ 16-1-2017, lễ nhập quan diễn ra lúc 13 giờ và lễ viếng bắt đầu từ 18 giờ cùng ngày. Lễ truy điệu bắt đầu vào 8 giờ 30 phút ngày 19-1. Linh cữu của ông sẽ được an táng tại nghĩa trang thành phố (Thủ Đức).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới