Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 16-9 có bài “Tòa nhận định không tội nhưng vẫn kết án” phản ánh phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó, thay vì tuyên vô tội, HĐXX vẫn kết án các bị cáo nhưng nói nếu VKS kháng nghị thì tòa sẽ kiến nghị tòa cấp trên hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án do… không có căn cứ buộc tội các bị cáo.
Nhận định vô tội nhưng tuyên có tội
Cụ thể, VKSND Tối cao đã truy tố ông Nguyễn Ngọc Khải, nguyên quyền giám đốc ngân hàng này, tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 11 bị cáo khác (là thuộc cấp của ông Khải) bị viện này truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Sau khi xét xử, HĐXX nhận định bị cáo Khải dù có sai so với quy định chung nhưng cá nhân ông không cố ý làm trái. Tuy nhiên, thay vì tuyên vô tội, tòa lại tuyên miễn trách nhiệm hình sự ông Khải về tội cố ý làm trái.
Với các bị cáo còn lại, tòa nhận định các bị cáo không lạm quyền, ngân hàng chưa thiệt hại. Tuy vậy, tòa lại khẳng định các bị cáo có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS) chứ không phải lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS) như cáo trạng quy kết. Từ đó, tòa tuyên chín bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS) với mức án từ 30 tháng đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Nói cách khác, tòa xử chín bị cáo này tội nhẹ hơn tội VKSND Tối cao truy tố.
Hai bị cáo còn lại do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa tuyên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS).
Cấp dưới rút cáo trạng, viện trên vẫn “bảo lưu”
Có thể nói đây là trường hợp hy hữu và rất khôi hài khi một vụ án VKSND Tối cao truy tố, ủy quyền cho VKSND tỉnh tham gia phiên tòa để bảo vệ cáo trạng nhưng lại bị tòa án cấp sơ thẩm bác bỏ hoàn toàn bản cáo trạng.
Vụ án này ngay từ khi khởi tố, điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định đây là vụ án tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn xét xử, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải hai lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, vì hồ sơ vụ án có quá nhiều tình tiết mâu thuẫn. Sau đó, cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm về tội danh đối với các bị can.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, qua xét hỏi và tranh tụng, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã không bảo vệ được bản cáo trạng của VKSND Tối cao mà phải rút cáo trạng về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và đề nghị tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về một tội danh khác nhẹ hơn là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS.
Tuy nhiên, ngay cả đối với tội danh này, tòa án cấp sơ thẩm cũng thấy khó kết tội các bị cáo nên phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Điều này cho thấy việc đánh giá chứng cứ và xác định tội danh đối với các bị cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng, không xác định đúng tội danh của các bị cáo.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, cáo trạng vẫn truy tố 11 bị cáo còn lại tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Cũng kiểm sát viên đó ngồi ghế công tố nhưng lần này vị đại diện VKS không dám rút cáo trạng của cấp trên nữa. Có điều vị này lại không chịu tranh luận với luật sư và bị cáo mà chỉ đối đáp qua loa chiếu lệ…
Áp lực là áp lực nào?!
Một điều rất lạ và chưa từng xảy ra ở phiên tòa nào đó là một mặt HĐXX vẫn tuyên các bị cáo có tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản nhưng mặt khác tòa lại kiến nghị: Trong trường hợp VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và VKSND Tối cao có kháng nghị bản án này theo hướng đề nghị TAND cấp cao xét xử các bị cáo phạm tội theo Điều 280 BLHS như cáo trạng truy tố thì tòa sẽ kiến nghị TAND cấp cao xét xử lại vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án do không đủ căn cứ kết tội các bị cáo.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao tòa án cấp sơ thẩm không tuyên các bị cáo vô tội ngay mà phải kiến nghị với tòa án cấp phúc thẩm!? Phải chăng như vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã trả lời báo Pháp Luật TP.HCM rằng: “Có rất nhiều áp lực đối với tôi… Tại phiên tòa, các bị cáo đã đặt ra rất nhiều câu hỏi rằng họ lạm quyền ở chỗ nào nhưng viện chưa trả lời được những câu hỏi này”.
Đúng là bản án của HĐXX có những nhận xét rất thẳng thắn nhưng còn áp lực thì đó là áp lực nào? Có hay không sự can thiệp của ai đó; bản án đã được “duyệt” nên HĐXX không dám làm trái ý, cho dù diễn biến phiên tòa cho thấy các bị cáo không phạm tội!? Đá “quả bóng” lên cho tòa án cấp phúc thẩm cũng tức là thừa nhận mình đã làm oan người vô tội. Nếu sắp tới tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố các bị cáo không phạm tội thì trách nhiệm lại đổ lên đầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa và hội thẩm nhân dân của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã từng nói: “Nếu không đủ chứng cứ thì phải tuyên bị cáo không phạm tội”! Nếu tinh thần cải cách tư pháp tiến bộ này mà được các tòa án làm được thì công lý mới được tôn trọng. Có như thế công lý mới không phải “đội nón đi ra” vì những áp lực hay can thiệp trái pháp luật nào!
Không dễ bảo vệ cáo trạng của cấp trên! Có một thực trạng là từ trước đến nay, hầu hết vụ án do VKSND Tối cao ra cáo trạng thì đều bị tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vài lần mới xử được. Kiểm sát viên ngồi ghế công tố thì rất khó bảo vệ cáo trạng, vì không phải cáo trạng của mình, mình không kiểm sát điều tra, không có thời gian nghiên cứu hồ sơ nên ra tòa lúng túng khi phải tranh luận với luật sư và bị cáo. Đây đang là vấn đề tồn tại nhưng chưa được khắc phục. Nhiều chuyên gia cho rằng VKSND Tối cao không nên ra cáo trạng mà nên giao cho VKS địa phương ra cáo trạng sau khi đã kết thúc điều tra. Có như vậy thì kiểm sát viên ngồi ghế công tố mới có thời gian tiếp xúc với hồ sơ, mới nắm được các tình tiết của vụ án. Chúng tôi được biết VKS Quân sự Trung ương từ trước đến nay chưa bao giờ ra cáo trạng mà thường làm công văn chuyển hồ sơ vụ án về cho VKS quân sự cấp dưới ra cáo trạng và tham gia phiên tòa. Cách làm này tránh được tình trạng trả hồ sơ vụ án của tòa án và kiểm sát viên ngồi ghế công tố cũng thuận lợi rất nhiều. |