Ngày 14-3, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) - ông Arsjad Rasjid đã có cuộc trao đổi với báo chí trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Khát khao tạo dựng thương hiệu ASEAN
Trong cuộc họp báo, Chủ tịch ASEAN-BAC Arsjad Rasjid cho biết chuyến công du của ông tới các nước ASEAN, gồm Việt Nam, nhằm thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế trong khu vực để củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhân chuyến thăm này, ông Arsjad muốn mở ra các kênh đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính phủ, chính phủ với chính phủ; lắng nghe những góp ý, chia sẻ về những vấn đề kinh tế mà các bên quan tâm cũng như khuyến khích chính phủ, doanh nghiệp Việt tham gia vào các ưu tiên và các dự án của ASEAN-BAC như ASEAN QR Code, ASEAN Business Entity,...
Chủ tịch dự khuyết ASEAN–BAC Bernardino Vega, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) Arsjad Rasjid, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofian (từ trái sang) ngày 14-3. |
Nhắc lại chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2023 là “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, ông Arsjad khẳng định ASEAN là một thị trường lớn, năng động, đóng góp lớn cho kinh tế thế giới và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Ông cũng cho rằng lợi thế của các nước ASEAN là dân số trẻ, có nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là có trình độ, chuyên môn về công nghệ thông tin nên rất thuận lợi cho việc chuyển đổi số ở khu vực.
Với những lợi thế như vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái và giá trị mang thương hiệu ASEAN nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, mang lại thịnh vượng cho người dân, theo ông Arsjad.
Ông Arsjad cũng cho biết vào tháng 9 tới, Indonesia sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tư kinh doanh ASEAN tại Jakarta. Hội nghị không chỉ bao gồm chính phủ, doanh nghiệp ASEAN mà còn có những đối tác quan tâm đầu tư vào ASEAN như Mỹ, Anh, Trung Quốc,...nhằm kết nối thương mại mạnh mẽ hơn trong khối và với các đối tác bên ngoài.
Hợp tác Việt Nam - Indonesia còn nhiều dư địa
Về quan hệ Việt Nam-Indonesia, ông Arsjad cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Indonesia với kim ngạch thương mại hai chiều là 14 tỉ USD vào năm 2022.
Các doanh nghiệp Indonesia cũng đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, với 106 dự án có tổng số vốn là 638,9 triệu USD và hiện tại có hơn 40 công ty Indonesia đang hoạt động tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc đương nhiệm) gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 12-2022. Ảnh: THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM |
Hai nước đã ký một số thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác song phương, ví dụ như về nghề cá và vấn đề biển, năng lượng,...và đang hướng tới xây dựng các doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng kinh tế xanh, đẩy mạnh hợp tác về công nghệ, cơ sở hạ tầng, và thúc đẩy hơn nữa về phát triển du lịch, như tăng cường các chuyến bay từ Việt Nam đến Indonesia.
“Vì cả Việt Nam và Indonesia đều đóng vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN, nên mối quan hệ đối tác bền vững của chúng ta, đặc biệt là về kinh tế là công cụ để tăng cường vị thế ASEAN với tư cách là một khối kinh tế toàn cầu quan trọng. Với vị trí chiến lược trên bản đồ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN có tiềm năng trở thành “thỏi nam châm” tiếp theo của tăng trưởng toàn cầu”- Chủ tịch ASEAN-BAC bày tỏ.
Đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp
Báo Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với Chủ tịch dự khuyết ASEAN–BAC Bernardino Vega về giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp ASEAN đầu tư vào thị trường nội khối.
. Phóng viên: Thưa ông, dù ASEAN là thị trường lớn và năng động nhưng việc doanh nghiệp nội khối đầu tư vào thị trường của nhau vẫn còn khiêm tốn, như ông có thể thấy qua con số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia và ngược lại. Vậy thì có trở ngại gì khiến doanh nghiệp chưa mạnh đầu tư và giải pháp nào để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thị trường nội khối?
+ Ông Bernardino Vega: Tôi nghĩ rằng các nước ASEAN nên có cơ chế khuyến khích đầu tư nhiều hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi (ASEAN-BAC) đưa ra ý tưởng về việc doanh nghiệp (trong khối ASEAN) khi có một mã định danh thì sẽ có thể dùng ở tất cả các nước trong khối. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp muốn đầu tư vào bất kỳ nước nào trong ASEAN mà đã đăng ký kinh doanh ở một nước trong khối rồi thì không cần đi đăng ký lại ở nước đầu tư nữa. Nếu ASEAN thỏa thuận được cơ chế này, chi phí để bắt đầu đầu tư sẽ thấp hơn đáng kể.
Một điều nữa, tôi nghĩ là chúng ta cần có nhiều thỏa thuận công nhận lẫn nhau hơn, chẳng hạn như công nhận giấy phép hoặc tiêu chuẩn của nhau. Ví dụ, nếu một công ty dược phẩm Malaysia đã có giấy phép của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Malaysia (tức là cơ quan chức năng có thẩm quyền), vốn phải xin trong hai năm, thì khi họ muốn bán sản phẩm vào Indonesia thì công ty không cần phải xin lại giấy phép của Indonesia nữa.
Nói cách khác, chỉ cần xin giấy phép kinh doanh ở một trong bất kỳ nước ASEAN nào là có thể dùng được trong khối. Như vậy, công việc kinh doanh có thể trở nên dễ dàng, nhanh chóng và không mất nhiều chi phí trong khâu thủ tục. Tôi nghĩ rằng những gì các chính phủ cần làm là tạo ra nhiều ưu đãi kinh doanh, cho phép doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN đầu tư vào nội khối.
Chúng tôi (ASEAN-BAC) đang muốn thúc đẩy ý tưởng này nhưng có thể nó không được hoàn thành trong năm nay, mà có thể trong tương lai gần. Chúng tôi đang nỗ lực và hy vọng các chính phủ sẽ đồng ý với ý tưởng này nhằm thu hút đầu tư từ doanh nghiệp ASEAN.