ASIA TIMES: 3 mối nguy lớn với Mỹ và NATO nếu mải ‘rót’ vũ khí vào chiến trường Ukraine

(PLO)- TS. Stephen Bryen, chuyên gia kỳ cựu của Mỹ về chiến lược và công nghệ quốc phòng, cảnh báo ba lý do Mỹ và NATO có thể gặp nguy hiểm nếu cứ mải "rót" vũ khí vào chiến trường Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong một bài viết mới đây trên tờ Asia Times, TS. Stephen Bryen cảnh báo 3 mối nguy lớn với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu cả hai mải ‘rót’ vũ khí vào chiến trường Ukraine.

TS. Bryen là chuyên gia kỳ cựu của Mỹ về chiến lược và công nghệ quốc phòng. Ông đã có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo TS. Stephen Bryen, Mỹ và NATO có thể chiến đấu trong cuộc xung đột ngắn, nhưng cả hai đều không thể hỗ trợ một cuộc chiến kéo dài. Lý do là vì kho vũ khí dự trữ của cả hai sẽ dần cạn kiệt và phải cần nhiều thời gian để tái lấp đầy.

Vấn đề nguồn cung vũ khí

Bất chấp việc Mỹ từng thành công trong việc cung cấp vũ khí cho phe đồng minh trong Thế chiến II, việc hỗ trợ lâu dài cho Ukraine dường như ít khả thi hơn. Theo Asia Times, hiện không những Mỹ mà cả NATO đều phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung vũ khí khi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Hai bên cũng đang gặp nhiều rủi ro vì ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện từ châu Á. Hiện chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng.

Binh sĩ Ukraine đang vận chuyển một tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Binh sĩ Ukraine đang vận chuyển một tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, việc mua sắm hàng hóa quốc phòng của Mỹ và châu Âu không diễn ra liên tục mà được thực hiện theo từng đợt.

Kinh phí chỉ được cấp để mua một số lượng thiết bị quốc phòng nhất định. Khi hợp đồng hoàn thành và không có giao dịch mua tiếp theo ngay lập tức, dây chuyền sản xuất sẽ ngừng hoạt động và các nhà cung cấp linh kiện cấp hai và cấp ba cũng ngừng sản xuất, hoặc chuyển sang làm các dự án khác.

Điều này có nghĩa là nếu sau này có đơn đặt hàng mới, mạng lưới nhà cung cấp và dây chuyền sản xuất sẽ gần như phải bắt đầu lại từ đầu.

Không đủ thời gian tái lấp đầy kho dự trữ

Ukraine đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu sử dụng vũ khí trong xung đột liên tục tăng. Điều này đang ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Ukraine.

Theo Đô đốc Tony Radakin - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh, việc lấp đầy các kho vũ khí dự trữ đã trở thành “một vấn đề quan trọng” của nước này.

Lính Mỹ phóng tên lửa Javelin tại thao trường ở Hawaii năm 2016. Ảnh: US ARMY
Lính Mỹ phóng tên lửa Javelin tại thao trường ở Hawaii năm 2016. Ảnh: US ARMY

Phát biểu trước Ủy ban Quan hệ Quốc tế và Quốc phòng Anh, ông Radkin nói, “Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận trong nhiều năm nữa, bởi vì chúng ta không thể đòi hỏi vũ khí hiện đại được sản xuất trong một dây chuyền nhanh chóng".

Theo ông, phía Anh có thể chế tạo đạn và pháo, nhưng ngay cả ở cấp độ không quá phức tạp, thì cũng phải mất vài năm để lấp đầy kho vũ khí như ban đầu.

Trong đạo luật chiến tranh gần đây để hỗ trợ Ukraine, Quốc hội Anh đã trích thêm 9 tỉ USD để lấp đầy kho dự trữ vũ khí mua từ Mỹ. Con số này cho thấy chi phí sản xuất đã tăng gần gấp đôi trước đây.

Tại Mỹ, các công ty quốc phòng lớn như Raytheon và Lockheed đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc sản xuất vũ khí cho quân đội. Mỹ đã gửi hơn 1/3 kho dự trữ tên lửa Stinger và Javelin cho Ukraine. Xung đột vẫn tiếp diễn, và việc nghĩ rằng khoảng một nửa số vũ khí sẽ được sử dụng hết là điều hoàn toàn hợp lý.

Dù đã có một hợp đồng trị giá 634 triệu USD để tái sản xuất tên lửa Stinger, nhưng công ty quốc phòng Raytheon cho biết không thể bắt đầu sản xuất trong năm nay.

Ba mối nguy lớn

Có ba mối nguy lớn đối với Mỹ và NATO nếu tiếp tục gửi vũ khí đến Ukraine.

Thứ nhất, sẽ cạn kiệt vũ khí khí tài và không thể nhanh chóng hỗ trợ Ukraine nếu xung đột kéo dài hơn nữa. Nếu xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine, NATO có thể phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng lớn với ít vũ khí.

Không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thiếu thiết bị vũ khí như vậy có thể được khắc phục trong vài năm tới. Dù một số nước đã nhận thức rõ hơn về chi tiêu quốc phòng, việc sản xuất vũ khí ở châu Âu diễn ra rất chậm, chậm hơn cả Mỹ.

Sự tắc nghẽn về nguồn cung sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Quân nhân Ukraine khai hỏa pháo tự hành Caesar của Pháp. Ảnh: AFP
Quân nhân Ukraine khai hỏa pháo tự hành Caesar của Pháp. Ảnh: AFP

Thứ hai, nếu giao tranh nổ ra ở Hàn Quốc hoặc ở những khu vực khác, điều này có thể tạo ra gánh nặng lớn với Mỹ. Hiện đã có tình trạng thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng cho các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật. Đài Loan cũng đã được thông báo rằng Mỹ không thể cung cấp một số vũ khí, bao gồm những loại pháo tương tự đang được gửi đến Ukraine.

Thứ ba, nếu bị thúc ép quá mạnh, quân đội Nga có thể sẽ dùng đến sử dụng vũ khí hạt nhân “chiến thuật”.

Điều này có thể khiến phương Tây một lần nữa suy nghĩ lại về việc hỗ trợ cho Ukraine, do nó có thể đẩy nguy cơ xảy ra xung đột trên diện rộng lên mức cao chưa từng thấy và làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chính vì thế, Mỹ và NATO nên suy nghĩ về cách kết thúc xung đột ở Ukraine thay vì kiên định với chính sách cố gắng "làm đau" Nga, theo TS. Bryen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm