Ngày 28-6, Nga tiếp tục chịu sức ép từ phương Tây sau khi Mỹ và các đồng minh thuộc Nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới thống nhất gia tăng đòn trừng phạt lên Nga, theo hãng tin Reuters.
Mỹ cấm nhập khẩu vàng Nga
Reuters ngày 28-2 dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington chính thức cấm nhập khẩu vàng từ Nga.
Theo thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ, vàng có xuất xứ từ Nga bị cấm nhập khẩu vào Mỹ, ngoại trừ trong phạm vi luật pháp quy định, hoặc trừ khi được Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) cấp phép hoặc cho phép.
Lệnh cấm có hiệu lực kể từ thời điểm công bố. Chính vì thế, vàng "có xuất xứ từ Nga được đặt bên ngoài Nga trước hôm nay" sẽ không bị cấm - theo tuyên bố.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: REUTERS |
Phía Mỹ lưu ý rằng lệnh cấm đặc biệt áp dụng cho tất cả các giao dịch liên quan vàng của Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia và Bộ Tài chính Nga. Nga sản xuất khoảng 10% lượng vàng được khai thác trên toàn cầu mỗi năm và đây là hoạt động xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của nước này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen cho biết: “Nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ làm suy giảm năng lực của Tổng thống Vladimir Putin và cản trở chiến dịch quân sự ở Ukraine".
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 70 thực thể, trong đó có các thực thể thuộc ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
G7 kêu gọi Trung Quốc thúc ép Nga ngừng chiến dịch quân sự
Ngày 28-6, lãnh đạo G7 thống nhất kêu gọi Trung Quốc duy trì nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng cách thúc ép Nga ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Reuters.
Theo tuyên bố từ G7, Trung Quốc nên gây áp lực buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức và không kèm theo điều kiện. Nhóm G7 đồng thời cũng chỉ ra phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và các nghị quyết liên quan của Đại Hội đồng LHQ về việc Moscow phải ngừng chiến sự ở nước láng giềng.
G7 cân nhắc áp giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga
Cùng ngày, G7 cũng thống nhất cân nhắc việc áp đặt giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga.
Theo đề xuất, cùng với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, mức trần giá dầu sẽ giữ nguyên cho đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận rút khỏi Ukraine.
Các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất xem xét việc áp giá trần đối với dầu Nga. Ảnh: REUTERS |
Nếu mức giá trần được áp dụng, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu sẽ chỉ được mua dầu từ Nga với mức giá từ giới hạn giá trần trở xuống. Nhà nhập khẩu chỉ có thể được mua dầu Nga mà không bị trừng phạt nếu họ cam kết mua với giá nằm trong giới hạn giá trần mà phương Tây định ra.
Các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong tuyên bố chung: "Chúng tôi mời tất cả các nước có cùng chí hướng xem xét tham gia cùng chúng tôi trong các hành động này".
Việc xem xét áp đặt mức trần lên giá dầu Nga là một phần của nỗ lực ngăn Moscow thu lợi từ chiến sự Ukraine, vốn đã làm giá năng lượng tăng mạnh.
Ngày 28-6, Điện Kremlin cho biết tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga có thể tìm cách thay đổi hợp đồng giao hàng nếu phương Tây thực hiện áp giá trần.