Máy bay Avro Arrow, còn được gọi là CF-105, được xem là một trong những máy bay tiên tiến nhất trong những năm 50 của thế kỷ XX. Quá trình phát triển máy bay Avro Arrow bắt đầu vào năm 1955 và trong thời gian nhanh kỷ lục, đến ngày 4-10-1957, máy bay này đã được trình làng.
Tuy nhiên giấc mơ về việc phát triển máy bay Avro Arrow đã biến thành cơn ác mộng, khi chương trình nghiên cứu bị hủy chưa đầy một năm sau chuyến bay đầu tiên của loại máy bay này.
Cho đến ngày nay, 65 năm sau, dự án Avro Arrow vẫn là một trong những nỗi tiếc nuối lớn nhất của Canada và vẫn là nguyên nhân khiến nhiều người tranh cãi.
“Chiếc máy bay này hoàn toàn do Canada sản xuất, và các dấu hiệu hiệu suất trong quá trình phát triển của máy bay cho thấy rằng nó ngang bằng với những thiết kế tiên tiến nhất vào thời điểm đó” – theo ông Richard Mayne, nhà sử học trưởng thuộc Không quân Hoàng gia Canada.
Từng là "huyền thoại"
Máy bay Avro Arrow được xem là một sản phẩm quân sự của phương Tây nhằm chạy đua với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Không quân Hoàng gia Canada đã đưa ra yêu cầu vào năm 1952 về việc chế tạo một máy bay đánh chặn có khả năng đạt tốc độ Mach 2 (2450 km/giờ) và độ cao 50.000 feet (hơn 15.000 m). Họ cần thứ gì đó nhanh chóng, có tầm bắn và độ cao để đánh chặn những máy bay ném bom của Liên Xô càng xa về phía bắc càng tốt, trước khi chúng tới Canada” – ông Mayne nói.
Máy bay Avro Arrow được thiết kế cho phi hành đoàn gồm hai người và có thiết kế cánh “tam giác” cùng màu sơn trắng. Máy bay này dài chưa đến 24 m với sải cánh dài 15 m. So với các máy bay đời trước như CF-100 Canuck và Phantom F4, máy bay Avro Arrow tương đối lớn hơn.
Avro Arrow bay lần đầu tiên vào ngày 25-3-1958. Tuy nhiên, theo ông Mayne, vào thời điểm đó, các nhà tư tưởng chiến lược, quân nhân cấp cao và chính trị gia chủ yếu quan tâm về các loại vũ khí hạt nhân như tên lửa tầm xa. Do đó, máy bay đánh chặn và máy bay ném bom không nhận được chú ý nhiều.
“Điều đó hóa ra là sai lầm vì mối đe dọa đánh bom vẫn tiếp tục và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhưng đó là suy nghĩ vào thời điểm đó” – ông Mayne nói.
Chi phí tăng vọt của dự án và tình hình chính trị khiến Avro Arrow trở nên không phù hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Ngày 29-2-1959, Thủ tướng Canada – ông John Diefenbaker đã hủy bỏ chương trình phát triển Avro Arrow. Chỉ trong vòng vài tuần sau đó, 5 chiếc máy bay đã được chế tạo cùng với hầu hết dây chuyền lắp ráp đã bị phá hủy. Kết quả của sự việc trên là hàng ngàn người mất việc làm và Avro Canada cuối cùng sụp đổ hoàn toàn.
Thời đại huy hoàng chóng vánh
Lý do thực sự khiến chương trình phát triển Avro Arrow bị hủy đến nay vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, nhiều suy đoán liên quan vấn đề này vẫn được lan truyền rộng rãi cho đến ngày nay.
Ông Alan Barnes – thành viên cao cấp tại ĐH Carleton ở Ottawa (Canada) – cho rằng “Chiếc máy bay gần như đã trở thành một huyền thoại ở Canada”.
Theo ông Barnes, nguyên nhân chương trình phát triển Avro Arrow bị hủy là do Mỹ cung cấp thông tin không chính xác cho Canada. Ông này suy đoán rằng vào thời điểm đó, Mỹ được cho là không muốn Canada sản xuất máy bay tốt hơn máy bay của Mỹ.
Một quan điểm khác cho rằng chính các nhà tình báo Canada đã cố tình hiểu sai thông tin Mỹ cung cấp nhằm thúc đẩy việc hủy bỏ chương trình.
“Nhưng tất cả những điều này chỉ là suy đoán, vì chưa ai thực sự xem các báo cáo tình báo” – ông Barnes nói.
Nhưng vào năm 2023, ông Barnes xuất bản bài báo nói về mối liên hệ giữa thông tin tình báo và cách nhà chức trách Canada khi đó sử dụng.
“Lúc đầu, lực lượng không quân thực sự không chú ý đến tình báo. Họ quyết định muốn có một chiếc máy bay lớn mới lạ. Vì vậy, họ đưa ra tất cả yêu cầu một cách riêng biệt mà không thực sự chú ý đến những gì các báo cáo nói” – ông Barnes nói.
Ông Barnes cho biết vào cuối những năm 1950 quá trình sản xuất máy bay Avro Arrow trở nên rất đắt đỏ và khá mất thời gian.
“Tình báo Canada đã đưa ra một đánh giá vào đầu năm 1958, nói rằng mối đe dọa từ máy bay ném bom không đến mức nghiêm trọng như người ta nghĩ trước đây, và rằng Liên Xô không xây dựng một lực lượng máy bay ném bom khổng lồ, có khả năng Liên Xô sẽ chuyển hoạt động sản xuất và nghiên cứu của họ sang các lĩnh vực tên lửa” – ông Barnes nói.
Theo CNN, chính sách này có hàm ý rằng nếu mối đe dọa giảm bớt thì không cần phải chi nhiều tiền như vậy cho một chiếc máy bay không thể đối phó với tên lửa đạn đạo.
“Vào mùa hè năm 1958, Ủy ban Tham mưu trưởng Canada đã đi đến kết luận rằng họ không thể khuyến nghị tiếp tục chương trình nữa, nhưng không muốn hủy bỏ nó ngay lúc đó vì ảnh hưởng chính trị” – ông Barnes cho hay.
Vì vậy, đến năm 1959, Canada mới quyết định hủy bỏ quy trình sản xuất máy bay này.
Dù vậy, đến ngày nay, hình ảnh của chiếc máy bay huyền thoại này vẫn còn có sức ảnh hưởng lớn ở Canada. Nhiều mô hình và các sự kiện liên quan loại máy bay này vẫn được tổ chức.