Dự kiến các tiêm kích F-16 của phương Tây sẽ được chuyển tới Ukraine trong vài tuần tới và những gì Kiev có thể làm với loại máy bay chiến đấu này đã ngày càng trở nên rõ ràng. Ví dụ, không quân Ukraine có thể sử dụng tiêm kích F-16 để cố gắng đánh chặn máy bay ném bom Su-34 của Nga. Máy bay ném bom này đã thả 3.000 quả bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh nhằm vào các mục tiêu của Ukraine.
Tiêm kích F-16 sẽ nhắm vào máy bay ném bom Su-34
Nhóm phân tích Deep State của Ukraine đánh giá các quả bom lượn KAB là vũ khí thần kỳ của quân đội Nga và đến nay Ukraine trên thực tế vẫn chưa có biện pháp đối phó.
Máy bay ném bom Su-34 của Nga bay cao và nhanh, có thể phóng một quả bom lượn ở khoảng cách 40 km và thậm chí 70 km nếu mang bom lượn KAB mới hơn và có tầm bắn xa hơn. Khoảng cách này đủ xa khiến lực lượng phòng không hiện tại của Ukraine – gồm máy bay chiến đấu và khẩu đội tên lửa thời Liên Xô triển khai trên mặt đất – không phải lúc nào cũng có thể bắn trả.
Tuy nhiên, các phi công lái F-16 của Ukraine có thể thực hiện công việc đó, nhà phân tích Justin Bronk cho biết trong một nghiên cứu mới của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI – nghiên cứu về an ninh và quốc phòng).
Dù vậy, vấn đề chính là các hệ thống phòng không trên mặt đất của Nga sẽ khiến các chiến đấu cơ của Ukraine gặp nguy hiểm khi bay ở độ cao lớn tại bất cứ đâu ở Ukraine, đặc biệt trong phạm vi khoảng 160 km tính từ tiền tuyến. Phạm vi này hoàn toàn nằm trong tầm bắn của các khẩu đội tên lửa đất đối không S-400 của Nga.
Ukraine nên vận hành F-16 như thế nào?
Có khả năng Ukraine đang mua tên lửa không đối không AIM-120D có tầm bắn 160 km cho tiêm kích F-16, cho phép phi công Ukraine bắn máy bay mang bom lượn của Nga từ rìa phạm vi bao phủ phòng không của Nga. Tuy nhiên, tên lửa AIM-120 sẽ không đạt được tầm bắn như vậy.
“Khi đến gần mặt trận, phi công Ukraine sẽ phải bay ở độ cao rất thấp để tránh bị hệ thống phòng không nhiều lớp của Nga phát hiện và bắn hạ”- chuyên gia Bronk viết.
“Ở độ cao thấp như vậy, tên lửa phóng đi trong không khí dày đặc với nhiều lực cản khí động học và sau đó phải chống lại trọng lực để leo lên nhằm đạt đến độ cao của mục tiêu. Kết quả là vào thời điểm động cơ tên lửa cháy hết sau vài giây đầu tiên của hành trình bay, chúng gần như không đạt được tốc độ hoặc độ cao mong muốn như khi được phóng từ một chiến đấu cơ bay trong không khí loãng ở độ cao lớn và tốc độ siêu thanh” – ông Bronk phân tích thêm.
Khi được phóng ở độ cao thấp, tầm bắn của tên lửa AIM-120 có thể giảm đi hàng chục km và như vậy máy bay ném bom của Nga có thể nằm ngoài tầm bắn, trừ phi phi công Ukraine bằng cách nào đó có thể bay sâu vào những khu vực do Nga kiểm soát và cầm cự đủ lâu để phóng tên lửa.
Theo ông Bronk, một giải pháp khả thi cho vấn đề này là sử dụng tên lửa không đối không tầm xa như Meteor có thể bay xa 200 km trong điều kiện tối ưu. Tuy nhiên, tên lửa Meteor lại không tương thích với tiêm kích F-16 và cũng không tương thích với máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 mà Pháp cam kết viện trợ cho Kiev.
Loại máy bay chiến đấu duy nhất mà Ukraine có thể nhận từ phương Tây có khả năng mang tên lửa Meteor là tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển, ông Bronk gợi ý. Thụy Điển đã bày tỏ việc sẵn sàng cung cấp máy bay Gripen dư thừa cho Ukraine, nhưng đã tạm dừng việc xem xét chuyển giao cho tới khi Ukraine nhận được lô tiêm kích F-16 đầu tiên từ phương Tây.
Cách tốt nhất cho Ukraine hiện nay
Rõ ràng là các đồng minh của Ukraine cũng đang lo ngại về việc lực lượng không quân Kiev sẽ bị choáng ngợp khi nhận được quá nhiều thiết bị mới với tốc độ quá nhanh.
Do đó, nếu đánh giá của chuyên gia Bronk là chính xác, có thể phải mất một năm hoặc hơn Ukraine mới có thể kết hợp máy bay chiến đấu và tên lửa để bắn hạ máy bay mang bom lượn của Nga mà không khiến phi công Ukraine gặp rủi ro khi bay tầm thấp.
Vì vậy, giải pháp trước mắt cho Ukraine là tấn công các máy bay của Nga khi chúng đang ở mặt đất và kho chứa bom lượn của nước này.
“Hiện tại, các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân của Nga là giải pháp tốt nhất của Ukraine để hạn chế thiệt hại mà không quân Nga có thể gây ra cho lực lượng Kiev ở tiền tuyến” - chuyên gia Bronk nhận định.
Trước đó trong tháng 6, các máy bay không người lái (UAV) tầm xa của Ukraine đã tấn công căn cứ không quân Morosovsk của Nga, cách tiền tuyến 241 km. Cuộc tấn công có thể đã làm hư hỏng hoặc phá hủy một số máy bay ném bom của Nga. Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV mà Kiev tiến hành nhằm vào các căn cứ không quân của Nga và máy bay triển khai tại đó.
Giới quan sát cho rằng Ukraine sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công như vậy khi tiêm kích F-16 bắt đầu đến nước này.