Ngày 12-9, giữa hai nước Azerbaijan và Armenia đã xảy ra các cuộc giao tranh mới. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy các cuộc đụng độ xuất phát từ tranh chấp liên quan vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh có đang bùng phát trở lại, theo đài RT.
Azerbaijan - quốc gia tái lập quyền kiểm soát toàn bộ Nagorno-Karabakh sau cuộc xung đột kéo dài sáu tuần vào năm 2020, đã thừa nhận thương vong về lực lượng. Armenia không đề cập tổn thất, nhưng cho biết các cuộc đụng độ kéo dài suốt đêm.
Hai bên tiếp tục cáo buộc nhau là nguyên nhân khiến giao tranh bùng phát.
Binh sĩ Azerbaijan. Ảnh: TREND NEWS AGENCY |
"Một số vị trí, hầm trú ẩn và các cứ điểm gia cố của lực lượng vũ trang Azerbaijan đã bị pháo kích dữ dội bằng các loại vũ khí hiệu chuẩn khác nhau, bao gồm súng cối, của các đơn vị quân đội Armenia" - theo thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan.
"Vụ việc đã gây ra nhiều tổn thất về nhân sự và thiệt hại về cơ sở hạ tầng quân sự" - Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết thêm.
Theo thông tin từ Azerbaijan, các lực lượng Armenia đã tham gia hoạt động tình báo ở biên giới Azerbaijan, chuyển vũ khí vào khu vực vào đêm 12-9 và bắt đầu cài mìn ở đây.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các vụ nổ súng vẫn đang tiếp diễn và chính cuộc khiêu khích quy mô lớn từ phía Azerbaijan đã khơi mào cho cuộc đụng độ này.
"Các lực lượng vũ trang của Armenia đã tung ra một đòn đáp trả tương xứng" - theo Bộ Quốc phòng Armenia.
Xung đột lần đầu tiên giữa hai nước nổ ra vào cuối những năm 1980 khi cả hai còn là thành viên của Liên Xô và các lực lượng Armenia đã chiếm được các vùng lãnh thổ gần khu vực Nagorno-Karabkah.
Nagorno-Karabkah vốn từ lâu đã được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng nơi này lại tập trung một lượng lớn dân số Armenia.
Azerbaijan giành lại những vùng lãnh thổ đó trong cuộc giao tranh năm 2020, kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Các nhà lãnh đạo của cả hai nước kể từ đó đã gặp nhau nhiều lần để bàn thảo một hiệp ước nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài.