Thủ tướng Armenia cảnh báo về âm mưu đảo chính

Ngày 25-2, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã cảnh báo về một cuộc đảo chính nhằm vào ông, trong bối cảnh hàng nghìn người tuần hành sau khi quân đội nước này yêu cầu ông từ chức, tờ South China Morning Post đưa tin.

“Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là giữ quyền lực trong tay người dân, bởi vì tôi coi tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang là một âm mưu đảo chính” - ông Pashinyan phát biểu trực tiếp qua nền tảng Facebook.

Trong buổi phát trực tiếp, ông cho biết đã cách chức Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Onik Gasparyan - một động thái cần được tổng thống ký thông qua. Ông Pashinyan cho biết người thay thế sẽ được công bố sau đó và cuộc khủng hoảng sẽ được khắc phục theo hiến pháp.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AFP

Sau đó, ông Pashinyansau cùng hàng nghìn người ủng hộ diễu hành qua các đường phố ở thủ đô Yerevan. Ông nói với người ủng hộ rằng điều quan trọng hiện tại là tránh xảy ra các cuộc đụng độ dù căng thẳng gia tăng. Theo ông, bất ổn chính trị "có thể kiểm soát được".

Ông Pashinyan, 45 tuổi, phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức từ tháng 11-2020 sau khi các nhà phê bình chỉ trích cách xử lý "thảm hại" của ông trong cuộc xung đột kéo dài 6 tuần với Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Các lực lượng dân tộc Armenia nhường một phần lãnh thổ cho Azerbaijan trong cuộc giao tranh và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới vùng đất này.

Tuy nhiên, ông Pashinyan đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Vị thủ tướng nói rằng ông ấy nhận trách nhiệm về những gì đã xảy ra, nhưng vấn đề cấp thiết bây giờ là cần phải đảm bảo an ninh cho đất nước của mình.

Hôm 25-2, quân đội Armenia đã lặp lại lời kêu gọi ông Pashinyan cùng chính phủ của ông từ chức, nói rằng sự "quản lý kém hiệu quả của chính phủ hiện tại và những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại đã đưa đất nước đến bờ vực sụp đổ". Không rõ liệu quân đội có sẵn sàng sử dụng vũ lực để hỗ trợ việc kêu gọi ông Pashinyan từ chức hay không.

Quân đội Armenia còn tố cáo việc ông Pashinyan cách chức Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang của quân đội. Theo họ, hành động này của thủ tướng là vô trách nhiệm, vô căn cứ và gây bất lợi cho nhà nước.

Hai cựu tổng thống Armenia - ông Robert Kocharyan và ông Serzh Sarkmsyan - đã đưa ra các tuyên bố kêu gọi người dân Armenia hãy ủng hộ quân đội. 

Nga - một đồng minh của Armenia có căn cứ quân sự tại quốc gia này - cho biết họ rất lo lắng trước tình trạng hiện tại của Armenia và kêu gọi giải quyết tình hình một cách hòa bình và theo khuôn khổ của hiến pháp.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Armenia, nói rằng Moscow coi cuộc khủng hoảng là vấn đề nội bộ của Armenia nhưng hy vọng nó sẽ được giải quyết một cách hòa bình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng phần lớn người dân khu vực này là người Armenia. Khu vực này là nguồn căng thẳng chính giữa hai nước láng giềng vùng Nam Caucasus trong hàng thập niên, đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến đẫm máu trong khu vực giai đoạn 1988 – 1994.

Cuối tháng 9, giao tranh Nagorno-Karabakh bất ngờ bùng phát dữ dội. Tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm