Vụ Navalny: Ukraine kiện Nga, ông Biden chuẩn bị áp trừng phạt

Trong đơn kiện gửi Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR), Ukraine cáo buộc Nga thực hiện các vụ ám sát nhắm vào nhiều “đối thủ”, trong đó có thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny.

Ukraine cáo buộc Nga thực hiện các vụ ám sát "được nhà nước cho phép"

Theo báo The Moscow Times, Ukraine tuần trước đệ đơn kiện lên ECHR, cáo buộc Nga tiến hành các vụ ám sát “được nhà nước cho phép” trên lãnh thổ Nga và lãnh thổ của những quốc gia khác, ngoài các tình huống xung đột vũ trang.

Tính đến nay Ukraine đã thực hiện chín vụ kiện chống lại Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu. Ảnh: Sergei Dolzhenko / EPA / TASS

Hãng tin Europeiska Pravda (Ukraine) chuyên đưa tin về các vấn đề châu Âu cho hay đơn kiện bao gồm cả vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny, người bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 8-2020.

Trong tuyên bố về đơn kiện của Ukraine, Toàn án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg (Pháp) không đề cập cáo buộc ám sát.

Đây là đơn kiện thứ chín chống lại Nga mà Ukraine đệ trình lên ECHR, nơi chuyên xét xử các cáo buộc vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu.

 “Cuối cùng chúng tôi cũng đã làm được. Chúng tôi đã cố gắng đưa tất cả vụ kiện trong đó có bằng chứng vững chắc về sự tham gia của Nga ” – ông Ivan Lishchyna, Thứ trưởng Tư pháp Ukraine và là ủy viên ECHR viết trên Facebook.

Bên cạnh đó, Ukraine còn cáo buộc Nga không điều tra các vụ ám sát và cố tình thực hiện các hành động che giấu nhằm ngăn cản nỗ lực truy tìm những người phải chịu trách nhiệm.

Kiev cho rằng những hành động của Nga cấu thành hành vi xâm phạm quyền được sống, được quy định trong Công ước Nhân quyền mà Nga là bên tham gia.

Các vụ kiện khác mà Ukraine từng thực chiến chống lại Nga gồm vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine hồi tháng 7-2014, cáo buộc vi phạm nhân quyền ở bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập từ Ukraine năm 2014, và việc Nga bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraine ở eo biển Kerch năm 2018.

Chính quyền ông Biden chuẩn bị trừng phạt Nga

Báo The Washington Post hôm 23-2 dẫn nguồn tin riêng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị áp lệnh trừng phạt và nhiều biện pháp khác lên Nga liên quan tới cáo buộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào mạng lưới máy tính của chính phủ và công ty Mỹ, cũng như vụ ông Navalny.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: | Alex Wong/Getty Images

Theo The Washington Post, các quan chức Mỹ đang phát triển các biện pháp phòng thủ nhằm khiến Nga và những đối thủ tinh vi khác khó xâm nhập các mạng lưới liên bang và tư nhân.

“Các quan chức nói rằng mục đích của các biện pháp khác nhau là nhằm truyền tải thông điệp rộng lớn hơn là Điện Kremlin trong nhiều năm đã sử dụng công cụ mạng để thực hiện một loạt hành động chống lại lợi ích của Mỹ và đồng minh của Mỹ: can thiệp các cuộc bầu cử, nhằm vào nghiên cứu vaccine COVID-19, tạo môi trường tự do cho những tin tặc tội phạm sử dụng mã độc tống tiền làm gián đoạn cơ sở y tế công cộng của Mỹ” – tờ báo viết.

Trang tin Politico dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ dự kiến sẽ phối hợp với các đồng minh châu Âu triển khai biện pháp trừng phạt Nga liên quan vụ ông Navalny trong những tuần tiếp theo.

Theo Politico, điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi của chính quyền ông Biden so với chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump. Nguồn tin nói rằng sau vụ đầu độc ông Navalny, chính quyền Mỹ thời ông Trump đã chuẩn bị một gói trừng phạt nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Hai quan chức giấu tên tiết lộ một gói trừng phát toàn diện từ chính quyền tiền nhiệm đã được chuyển giao cho Tân tổng thống Biden trong thời gian chuyển giao quyền lực.

Gói trừng phạt đề xuất ba loại trừng phạt: Đạo luật Magnitsky nhằm vào các cá nhân bắt giữ ông Navalny; các lệnh trừng phạt chiếu theo Đạo luật Kiểm soát vũ khí Hóa học và Sinh học và Loại bỏ Chiến tranh năm 1991; các lệnh trừng phạt theo Sắc lệnh 13382 yêu cầu đóng băng tài sản của những người phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các nguồn hỗ trợ.

Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny tại phiên điều trần ở Moscow (Nga). Ảnh: | Kirill Kudryavtsev/AFP/ Getty Images

Ngoài ra, gói trừng phạt còn đề xuất thu hồi thị thực của các quan chức Nga nhất định và hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng lưỡng dụng nhất định sang Nga vốn có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hiện chưa rõ lý do đề xuất gói trừng phạt này lại không được triển khai vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump.

Việc Mỹ sắp trừng phạt Nga sẽ là bước đi lớn đầu tiên của chính quyền ông Biden nhằm buộc Nga chịu trách nhiệm cho những cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đây cũng là trọng tâm trong chính sách đối ngoại mà ông Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng liệt kê.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ từ chối bình luận về đòn đáp trả, song nhấn mạnh “chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm