Thông tin trên được Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk tiết lộ tại hội thảo về voi mới đây gây bất ngờ với những người làm công tác bảo tồn bởi hơn 20 năm trở lại đây, Đắk Lắk không có con voi cái nào sinh sản.
“Bà bầu” voi đặc biệt này tên là Ban Nang, 38 tuổi, thuộc sở hữu của ông Y Mứ B’krông ở buôn M’Liêng, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk). Theo Trung tâm bảo tồn voi, “bà bầu” Ban Nang mang thai đã hơn 20 tháng, dự kiến trong tháng 9 này sẽ sinh hạ voi con.
Từ khi mang bầu, 'bà bầu' voi Ban Nang được dừng chở khách, trở lại rừng nghỉ ngơi chờ ngày sinh nở. Ảnh: ĐẠI DŨNG
Từ khi biết Ban Nang mang bầu, Trung tâm bảo tồn voi đã gặp gỡ chủ voi, vận động cho Ban Nang dừng chở khách du lịch. Voi Ban Nang đã được tháo bỏ chiếc bành to tướng, nặng nhọc trên lưng, được thả về rừng ăn uống và nghỉ ngơi, dưỡng thai. Ngoài thức ăn kiếm trong rừng, chủ voi còn cắt cử người hàng ngày vào cắt chuối cho voi ăn, dẫn voi đi uống nước.
Trung tâm bảo tồn voi cũng đã trao 171 triệu đồng kinh phí hỗ trợ voi sinh sản cho gia đình ông Y Mứ giúp gia đình yên tâm chăm sóc, thả voi về rừng. “Đây là lần đầu tiên Ban Nang mang bầu nên gia đình rất bối rối trong việc chăm sóc. Được Trung tâm bảo tồn voi hỗ trợ, gia đình tôi đã cho voi nghỉ ngơi để voi mẹ lẫn voi con được khỏe mạnh”, chủ voi Y Mứ chia sẻ.
"Bà bầu" voi Ban Nang và mẹ nuôi-voi cái H'Băn trong rừng. Ảnh: ĐẠI DŨNG
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi, cho biết từ khi thành lập đến nay, đây là lần đầu tiên có một voi nhà mang thai nên cán bộ, nhân viên trung tâm khá bối rối vì chưa có kinh nghiệm thực tế trong chăm sóc voi mang thai. Nhất là Ban Nang đã lớn tuổi nên chuyện sinh nở sẽ gặp không ít khó khăn. Công tác chuẩn bị cho voi sinh sản hiện được triển khai hết sức chặt chẽ.
Khi biết Ban Nang mang bầu, Trung tâm bảo tồn voi đã làm việc với Ban quản lý Rừng lịch sử - văn hóa – môi trường hồ Lắk mượn khu rừng thuộc tiểu khu 1341 nằm ở giữa hồ Lắk với không khí mát mẻ, yên tĩnh, cách xa khu dân cư để Ban Nang “vượt cạn”.
Ban Nang dự kiến sẽ sinh voi con trong tháng 9 này. Ảnh: ĐẠI DŨNG
Ông Luân cũng cho biết, tập tính của voi sống bầy đàn ở ngoài tự nhiên, khi sinh con sẽ có các voi khác trong đàn đỡ đẻ, làm tổ cho voi con. Lần sinh nở của Ban Nang rất cần một voi cái có kinh nghiệm để làm “bà đỡ” hướng dẫn, hỗ trợ. Sau khi tìm hiểu các nài, chủ voi ở huyện Lắk, Trung tâm bảo tồn voi biết Ban Nang mất mẹ khi còn nhỏ và được voi cái H’Băn (55 tuổi) chăm sóc nên hai con voi này luôn thân thiết, gắn bó như mẹ con.
Biết được thông tin quý báu này, cán bộ bảo tồn voi đã tìm gặp chủ voi H’Băn đặt vấn đề thuê voi H’Băn làm “bà đỡ” cho Ban Nang. Chủ voi H’Băn vui vẻ chấp thuận. “Bà đỡ” H’Băn nhanh chóng được đưa về sinh sống cùng Ban Nang trong khu rừng giữa hồ Lắk.
Ban Nang được thả vào rừng và có voi H’Băn ở bên cạnh làm vai trò bà đỡ khi sinh. Ảnh: ĐẠI DŨNG
Ban Nang và “mẹ nuôi” H’Băn nhanh chóng thân thiết, quấn quýt nhau. Trung tâm bảo tồn cũng cử cán bộ thay nhau cùng chủ voi túc trực theo dõi, chăm sóc chờ đợi ngày Ban Nang sinh. “Trung tâm đã lên kế hoạch đỡ đẻ cho Ban Nang với nhiều phương án được đặt ra nhằm kịp thời xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình voi sinh sản. Ngoài ra, các chuyên gia nước ngoài cũng được mời đến theo dõi, hỗ trợ cho Ban Nang” – ông Luân cho hay.
Theo Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện còn 44 con voi nhà, trong đó có 25 voi cái và 19 voi đực. Số voi còn trong độ tuổi sinh sản là 25 con, gồm 16 voi cái và 19 voi đực. Hiện Trung tâm bảo tồn voi đang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk”, trong đó chú trọng việc lấy mẫu máu voi cái, xác định chu kỳ động dục và thời gian rụng trứng rồi thông báo cho chủ voi biết, triển khai ghép cặp với voi đực giao phối để nâng cao khả năng đậu thai. |