Khi bước vào một mối quan hệ bạn có thể đang rất khao khát và hạnh phúc. Tuy nhiên, để phát triển nó đòi hỏi nhiều điều hơn thế. Trách nhiệm chính là việc mà mỗi người sẽ làm vì mục đích chung: Hạnh phúc bên nhau.
Khi yêu chỉ cần cảm xúc nhưng để giữ tình yêu cần một chút lý trí. Khi xảy ra sự cố, ai cũng sẽ cố gắng cữu vãn. Thế nhưng hãy tránh xa ba cách “cứu” mà càng làm mọi thứ sẽ càng đổ bể sau đây.
Đừng quản lý cảm xúc của người ấy
Khi người ấy hạnh phúc, công việc như ý, tình cảm hài lòng, họ rất chu đáo và trìu mến. Nhưng khi không vui, căng thẳng công việc, họ lơ là và xa cách. Phản ứng tức thì của chúng ta là can thiệp, tìm cách xóa bỏ cảm xúc tiêu cực đó trong họ.
Nếu một người đang buồn bực mà người kia luôn miệng “chuyện ấy có gì đâu” thì cầm chắc cách an ủi này sẽ phản tác dụng. Có thể ta nghĩ làm vậy người kia sẽ cân bằng lại nhưng không phải.
Bằng cách lấp liếm, định hướng cảm xúc của người ấy, chúng ta đang phủ nhận tâm tư, tình cảm thật của họ, vô hình hóa rắc rối của họ. “Không đồng cảm, tôi sẽ không nói nữa”, đó là câu trả lời.
Cách lý tưởng hơn là bình tĩnh, chấp nhận trạng thái xấu của đối tác. Kiên nhẫn đợi họ bình ổn, dành thời gian, không gian cho họ tự giải quyết vấn đề và không gây rối thêm.
Đừng giữ hòa bình bằng mọi giá
Khi có bất đồng, các cặp đôi sẽ hoặc làm rõ hoặc làm lơ. Không ai muốn bất hòa nên họ thường chọn cách “lơ”. Tuy nhiên trong các mối quan hệ thân thiết, tranh cãi lại là điều cần thiết.
Không muốn cãi cọ, con người thường kìm nén suy nghĩ thật của mình hoặc chỉ nói ra điều mà đối tác muốn nghe. Mỗi ngày qua, giới hạn chịu đựng của bản thân lại phải nới rộng ra vì mục tiêu hòa bình thế giới. Dù nghĩ rằng mình đang giữ gìn tình cảm nhưng thực chất nỗi bất đồng và ức chế vẫn liên tục tích tụ.
Nguy hại hơn, bạn đang khiến người ấy không biết hoặc không còn quan tâm đến việc làm cho bạn hài lòng, vui vẻ. Không nói rõ, điều tất yếu bạn sẽ không bao giờ được chiều ý.
Bất cứ ai cũng có ranh giới của mình và người càng thân thiết càng phải tôn trọng điều đó. Hòa bình trong sự chịu đựng không thể tiến xa được.
Đừng chối bỏ lỗi nếu có
Đây là phần khó nhất vì nó là phản xạ tự vệ rất tự nhiên. Khi bị buộc lỗi, vì sợ bị xấu đi trong mắt đối phương, bạn lập tức “xù lông” lên, tìm mọi cách để biện hộ, viện dẫn lý do a, b, c… cho việc làm ấy để kết luận mình không sai.
Cố gắng chối bỏ thiếu sót của bản thân không khiến bạn tốt đẹp hơn. Trong mối quan hệ thân thiết, việc biết nhận lỗi lại được xem là ưu điểm.
Khi tức giận, việc hiểu đối phương là rất khó. Cho dù bạn “oan”, thái độ ấy chỉ khiến đối tác không nhét được vào tai lời giải thích nào. Càng cố chứng minh mình đúng, bạn càng khiến họ thêm bực bội và ác cảm.
Để tránh điều này, hãy trao đổi thẳng thắn với thái độ cầu thị cùng người ấy. Lắng nghe và dũng cảm thựa nhận lỗi nếu họ có lý, giải thích ngắn gọn nếu bị hiểu lầm. Đáp lại cơn tức giận là thái độ đúng mực sẽ khiến người ấy chừng mực hơn ở những lần sau.
Cần nhớ, tình cảm không sống mãi trên một cái nền cũ, cho dù tốt đẹp. Nó cần được bồi đắp mỗi ngày. Không ai cần bị người khác quản lý hay điều chỉnh, họ cần được thấu hiểu. Không cần giải thích mọi bất đồng nhưng phải giải quyết nó. Làm được như vậy, mối quan hệ của bạn sẽ luôn hạnh phúc bền vững.