Mới đây, cơ trưởng chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM của Vietnam Airlines vừa từ chối phục vụ hành khách Vũ Anh Cường có biểu hiện say xỉn, có hành vi quấy rối một nữ hành khách đi cùng chuyến. Vụ việc đã khiến chuyến bay bị chậm trễ.
Cực hình ngồi cạnh “ma men”
Nữ hành khách bị quấy rối trên chuyến bay VN253 ngày 26-7 kể lại: “Tôi vừa ngồi xuống ghế được vài phút thì ông ấy đi qua rồi bất ngờ sờ vào vai tôi, sau đó lần xuống phía sườn. Quá hốt hoảng, phải mất vài giây tôi mới định thần và nói to: Chú làm cái gì đấy. Tôi thấy ông ấy lúc đó có vẻ đã say rượu, vẫn cười và luôn mồm nói chú có làm gì đâu”.
Cũng từng bị “ma men” làm phiền khi bay, chị Vi Ngô (TP.HCM) bức xúc: “Đúng là cực hình, cả chuyến bay bị mùi rượu bia nồng nặc tra tấn, tôi không dám ngủ vì sợ bị quấy rối”. Chị Vi kiến nghị các hãng hàng không cần phải có biện pháp điểm mặt “ma men” ngay từ đầu, ví dụ như đặt máy đo nồng độ cồn tại các sân bay để ngăn chặn những người này lên máy bay.
Nói về vấn nạn “ma men” trên máy bay, ông Vương Trần Quang Tuấn, Trưởng đại diện hãng Bamboo Airways tại Cảng hàng không Quy Nhơn, cho biết hiện tại trước khi hành khách lên máy bay phải qua ba bước giám sát và kiểm tra. Bước thứ nhất là khâu làm thủ tục check in, nhân viên hãng bằng nghiệp vụ cơ bản sẽ nhận diện hành khách có hành vi bất thường thông qua một số câu hỏi. Bước thứ hai là bộ phận kiểm tra an ninh hàng không kiểm tra trực quan sự tuân thủ của hành khách xem có bất thường không, có đủ năng lực lên máy bay không. Bước thứ ba là khi hành khách vào khu vực chờ cũng được giám sát trước khi kiểm tra vé lên máy bay.
Theo ông Tuấn, ngành hàng không luôn đặt an toàn lên hàng đầu nên sẽ không có sự nhân nhượng nào khi nhận thấy khách có hành vi bất thường, mất kiểm soát. Hãng bay có thể dựa vào hợp đồng vận chuyển hoặc vận dụng các chế tài về kiểm soát chất lượng an ninh hàng không để lập biên bản ngay tại mặt đất để từ chối vận chuyển “ma men”. “Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số trường hợp nhân viên cả nể, có sự du di để xảy ra nguy cơ mất an toàn trên chuyến bay” - ông Tuấn nói.
Hành khách làm thủ tục trước khi lên máy bay. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Khó xác định hành vi say xỉn
Theo ông Hoàng Văn Thư, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vinh, dù đã có quy định từ chối vận chuyển “ma men” nhưng để nhận biết hành khách có say xỉn, mất khả năng làm chủ hành vi hay không thì hiện chỉ quan sát hành vi, lời nói. Để kết luận chính xác mức độ phải có công cụ để đo nồng độ cồn nhưng việc này lại chưa được áp dụng tại các sân bay.
Điều 58 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT áp dụng chế tài, không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích. |
Trong khi đó, một phó giám đốc phụ trách an ninh sân bay ở miền Trung cho biết ngành hàng không hiện chưa áp dụng đo nồng độ cồn hành khách, cũng không có quy định uống rượu bia hoặc các chất kích thích thì không được đi máy bay. Việc từ chối vận chuyển “ma men” chỉ khi hành khách có hành vi mất kiểm soát nhưng khái niệm và cách nhận diện hành vi thì lại chưa được giải thích cụ thể. Việc này chỉ có thể giám sát, kiểm tra từ khâu làm thủ tục check in đến khi vào cách ly để ngăn chặn kịp thời.
TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, giảng dạy bộ môn Hàng không dân dụng quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng hàng không dân dụng quốc tế đã có quy định từ chối vận chuyển hành khách say xỉn nhưng lại không cấm hành khách có nồng độ cồn đi máy bay. Các nước cũng chưa áp dụng máy đo nồng độ cồn bởi hành khách là đối tượng được vận chuyển.
“Người có nồng độ cồn cao, thấp trong máu vẫn chưa thể khẳng định người đó có say xỉn hay không là do cơ địa mỗi người. Vì thế, việc từ chối vận chuyển nên hướng đến đối tượng say xỉn, chứ khó có thể áp dụng việc đo nồng độ cồn để từ chối vận chuyển” - ông Phước góp ý.
Luật pháp tại nhiều nước đã có những quy định rõ ràng về việc cấm hoặc từ chối phục vụ người say xỉn (hoặc có dấu hiệu say xỉn) lên máy bay. Mỹ: Theo quy định của Luật Hàng không Liên bang Mỹ, phi hành đoàn không được cho phép người say xỉn hoặc có dấu hiệu say xỉn lên máy bay. Nếu hành khách có hành vi tấn công, gây rối hoặc cản trở công việc của phi hành đoàn sẽ nhận mức phạt nặng nhất là 5 tỉ đồng và án tù tối đa 20 năm. Úc: Quy định của Cục An toàn hàng không dân dụng Úc ghi rõ hành khách say xỉn trước khi lên máy bay hoặc say xỉn trên máy bay có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố. Hành khách chỉ được sử dụng chất có cồn do phi hành đoàn phục vụ và không được uống rượu mua từ trước khi lên máy bay. Anh: Cục Hàng không dân dụng Anh quy định các hãng bay có quyền từ chối vận chuyển hành khách có biểu hiện hoặc hành vi đe dọa đến sự an toàn của phi hành đoàn và chuyến bay. Việc say xỉn trên máy bay có thể bị phạt tối đa 147 triệu đồng và hai năm tù tùy mức độ vi phạm. Người có hành vi gây hại đến an toàn bay có thể bị phạt tù đến năm năm. Những hành khách gây rối cũng có thể bị buộc bồi thường toàn bộ chi phí thiệt hại gây ra trên chuyến bay. VĨ CƯỜNG |