Ba ngân hàng Mỹ phá sản: Những khuyến nghị cho Việt Nam

Ba ngân hàng Mỹ phá sản: Những khuyến nghị cho Việt Nam

(PLO)- Việc ba ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank (SB) phải tuyên bố phá sản không ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam, nhưng cũng mang lại những bài học đáng suy ngẫm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi ba ngân hàng (NH) Mỹ lần lượt phá sản, Moody’s Investors Service (gọi tắt là Moody’s) - một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới - cũng hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống NH Mỹ từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia tài chính, giảng viên tại ĐH Bristol (Anh) nhận định dù sự sụp đổ của các NH Mỹ chưa tác động đáng kể đến Việt Nam (VN), nhưng vẫn phải chú ý đến những chuyển biến ở thị trường đầu tư từ Mỹ và châu Âu vào VN.

Nước Mỹ và “ác mộng” 15 năm trước?

. Phóng viên: Thưa ông, việc ba NH Mỹ phá sản và động thái mới nhất của Moody’s liệu đã đủ để nước Mỹ bắt đầu lo ngại về “cơn ác mộng” khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2007?

+ Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn: So sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng 2007 là không thích hợp vì các NH đổ vỡ lần này có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, và tính lây lan trong hệ thống NH không lớn như trường hợp Lehman Brothers. Ngoài ra, không có một sự sụp đổ tài sản cơ bản là thị trường nhà và vay nợ dưới chuẩn như 2007.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia tài chính, giảng viên tại ĐH Bristol (Anh). Ảnh: Chuyên gia cung cấp

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia tài chính, giảng viên tại ĐH Bristol (Anh). Ảnh: Chuyên gia cung cấp

Đây là một cuộc hoảng loạn của các NH nhỏ, do đó khả năng tiến triển thành một cuộc khủng hoảng lớn như giai đoạn 2007 là thấp. Ngoài ra, hệ thống NH Mỹ và châu Âu đã vững mạnh hơn giai đoạn 2007 rất nhiều, những NH lớn có số lượng công cụ giám sát tăng mạnh.

. Nói như vậy có đồng nghĩa cuộc khủng hoảng lần này không có gì đáng lo ngại, thưa ông?

+ Tuy không thể so với khủng hoảng 2007, nhưng tôi nghĩ không nên chủ quan như một số cơ quan, tổ chức ở Mỹ. Thứ nhất, tốc độ người gửi tiền rút tiền ở những NH nhỏ rất nhanh, có thể vượt mức 40 tỉ USD mỗi ngày ở NH SVB. Tốc độ rút như vậy thì ngay cả những NH được cho là vững mạnh cũng không tồn tại nổi.

Đây không phải vấn đề NH lỗ hay không, kiểm soát tốt hay không, mà với mô hình kinh doanh của NH, khi người gửi tiền đổ tới rút tiền thì không ai có thể tồn tại được cả, bất kể anh khỏe hay yếu.

Mạng xã hội và truyền thông theo kiểu mới, cộng với công nghệ NH đã làm cho quá trình rút tiền và lây lan tin đồn trở nên cực kỳ khó kiểm soát.

Quang cảnh trụ sở chính của Ngân hàng Silicon Valley ở hạt Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 17-3, gần một tuần sau khi sụp đổ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Quang cảnh trụ sở chính của Ngân hàng Silicon Valley ở hạt Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 17-3, gần một tuần sau khi sụp đổ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ngoài ra, đúng là có tình trạng người ta rút tiền từ NH nhỏ đổ sang NH lớn, như NH Bank of America thu được tới 15 tỉ USD tiền đổ từ NH nhỏ sang chỉ trong một ngày. Nhưng nếu NH nhỏ đổ vỡ hết thì chính bản thân NH lớn cũng lâm nguy vì các tài sản cần thanh lý của NH nhỏ như trái phiếu, các tài sản cầm cố, cũng liên hệ đến các tài sản chất lượng cao mà NH lớn nắm giữ.

Vì vậy, không nên chủ quan rằng NH lớn hiện nay vững hơn 2007-2008. Năm 2007 cũng bắt đầu với những NH không ai biết, và nhiều nhà phân tích vào cuối 2007 cho rằng năm 2008 sẽ tốt hơn. Kết quả là đỉnh điểm của khủng hoảng lại là ở 2008 với Lehman Brothers. Hoảng loạn quá mức là sai, nhưng chủ quan quá mức cũng sẽ nguy hiểm.

Ảnh hưởng không đáng kể đến Việt Nam

. Như ông đã chia sẻ, vấn đề ở Mỹ sẽ không dừng ở Mỹ mà có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước khác. Liệu VN có chịu ảnh hưởng tiêu cực?

+ Ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến VN thì tôi cho rằng chưa đáng kể. Tuy nhiên, nếu tình hình khó khăn ở Mỹ và châu Âu kéo dài, nhiều hoạt động đầu tư vào VN có thể gặp khó khăn vì nhà đầu tư sẽ có ý định giảm thiểu rủi ro và ngồi chờ xem có phương án đầu tư nào tốt hơn không, hoặc muốn duy trì tiền mặt để phòng thủ cho DN của mình chứ không mở rộng đầu tư. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư mở rộng.

Một màn hình hiển thị logo và thông tin giao dịch của NH khu vực Western Alliance Bancorporation trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York vào ngày 14-3. Sau sự sụp đổ của NH Silicon Valley, Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống NH Mỹ và đặt Western Alliance Bancorporation cùng nhiều NH khác vào danh sách theo dõi. Ảnh: REUTERS

Một màn hình hiển thị logo và thông tin giao dịch của NH khu vực Western Alliance Bancorporation trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York vào ngày 14-3. Sau sự sụp đổ của NH Silicon Valley, Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống NH Mỹ và đặt Western Alliance Bancorporation cùng nhiều NH khác vào danh sách theo dõi. Ảnh: REUTERS

Một điều nên lưu ý là có dự báo rằng sau Mỹ và châu Âu tình trạng khó khăn có thể sẽ lan đến một số nền kinh tế như Hàn Quốc và Nhật. Lý do một số tổ chức tài chính và hoạt động xuất khẩu ở những nước này gắn chặt với Mỹ và châu Âu. Điều đó gợi ý rằng VN cần có chính sách linh hoạt để ứng biến khi xuất hiện những tình huống bất ngờ.

. Những tình huống bất ngờ mà VN cần lưu ý và có kế hoạch ứng phó là gì?

+ Ví dụ, trong bối cảnh tỷ giá hiện tại còn ổn định, NH Nhà nước đã có bước đi đúng là nỗ lực hạ lãi suất để giảm khó khăn cho nền kinh tế. Vì nếu khi biến động toàn cầu phức tạp, lãi suất USD và thậm chí là của một số nước xung quanh tăng lên, thì sức ép lên VND sẽ lớn hơn. Khi đó khả năng giảm lãi suất của NH Nhà nước sẽ bị hạn chế bởi sức ép từ phía tỷ giá. Lúc đó, lựa chọn cân bằng giữa ổn định tỷ giá và hỗ trợ lãi suất lại phải được cân nhắc.

Ở một khía cạnh khác, nếu tình hình kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn, VN phải chuẩn bị một gói kích thích kinh tế từ phía ngân sách. Khi mà tình hình bất định tăng cao, vốn đầu tư tư nhân chững lại, thì phải dùng vốn đầu tư ngân sách bù vào. Cùng lúc đó, cần đẩy nhanh cải cách để giảm thiểu các chi phí “hành chính” cho DN, bởi đây là cách giảm chi phí hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất cho DN.

Những bài học kinh nghiệm quan trọng

. Các quốc gia, trong đó có VN liệu có học được bài học gì nhìn từ trường hợp của Mỹ trong việc thực hiện chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo sức khỏe bền vững của nền kinh tế, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc như ở Mỹ?

+ Bài học rõ ràng nhất đó là Mỹ đã lơi lỏng trong việc kiểm soát các NH nhỏ sau khi thay đổi các điều luật giám sát chặt NH vào năm 2018. Sau khủng hoảng 2007-2009, nhiều điều luật để kiểm soát an toàn NH ở Mỹ được đưa ra, nhưng khi đến 2018 thì lại được nới lỏng. Điều đó góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho nhiều khu vực mạo hiểm của nền kinh tế Mỹ (như công nghệ), nhưng cũng tạo ra rủi ro.

Một tòa nhà của NH Comerica ở Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 17-3. Sau sự sụp đổ của NH Silicon Valley, Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống NH Mỹ và đưa NH Comerica cùng nhiều NH khác vào diện theo dõi. Ảnh: EPA-EFE

Một tòa nhà của NH Comerica ở Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 17-3. Sau sự sụp đổ của NH Silicon Valley, Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống NH Mỹ và đưa NH Comerica cùng nhiều NH khác vào diện theo dõi. Ảnh: EPA-EFE

Mặt khác, lãi suất thấp của giai đoạn trước tạo ra những khoản cho vay và đầu tư rủi ro, như chúng ta thấy ở Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề là, nếu siết lại quá nhanh như ở Trung Quốc thì lại gây đình trệ nền kinh tế kéo dài và cuối cùng vẫn phải điều chỉnh, kích thích trở lại, nhưng vẫn không thấy khởi sắc. Tuy nhiên, để nó lỏng lẻo quá lâu thì lại lâm vào tình trạng như Mỹ hiện nay.

Không có lựa chọn tối ưu hay bài học tốt nhất, mà phải đủ cởi mở để tiếp nhận thông tin. Chính phủ các nước cần có đủ tỉnh táo để đưa ra các quy định quản lý, đôi khi là “bất thường”, “khó chấp nhận” trong điều kiện bình thường, nhưng khi đã gặp tình huống bất thường thì cũng phải làm. Mà muốn vậy, cơ quan quản lý cần cởi mở chia sẻ các thông tin cho các chuyên gia kinh tế, tài chính tiếp cận, để họ sớm có thể đưa ra những cảnh báo sớm, cũng như đề xuất chính sách phù hợp.

Trong bối cảnh hiện tại, một hội đồng chuyên gia độc lập cố vấn cho chính phủ về các chính sách kinh tế - tài chính là cần thiết, nhưng cơ quan này phải đi vào thực chất - Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn

Sẽ không bao giờ có một chính sách kiểm soát tài chính-tiền tệ vững chắc mà đảm bảo được tăng trưởng cao, vì nếu không chấp nhận rủi ro thì sẽ không có cơ hội tăng trưởng. Vấn đề là mức độ khi nào cần phải dừng lại, không để rủi ro đi quá xa, và khi nào cần nới lỏng, không để các chính sách tài chính dẫn đến tình trạng NH cố thủ không dám cho vay.

Chọn lựa liều lượng là khó, và đưa ra quyết định đó càng khó. Quyết định có chất lượng chỉ có thể được đưa ra khi mà các thông tin từ phía tổ chức tài chính đưa về cơ quan kiểm soát kịp thời, có chất lượng.

. Xin cám ơn ông.

Tiến thoái lưỡng nan từ Mỹ đến châu Âu

. Chính phủ Mỹ đã tung ra nhiều giải pháp, ví dụ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thiết lập cơ chế để giải quyết vấn đề thanh khoản; Bộ Tài chính Mỹ cũng sẵn sàng cấp 25 tỉ USD cho chương trình này... Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hiệu quả của những giải pháp này?

+ Hiện nay chính phủ nhiều nước chứ không chỉ riêng gì Mỹ đang đứng trước hai vấn đề.

Một là tình hình thanh khoản và điều kiện vốn của nền kinh tế đang thắt chặt lại, gây khó khăn hơn cho hệ thống NH, nhất là NH nhỏ cũng như DN vay nợ.

Song song đó, các NH trung ương cũng chịu sức ép tiếp tục rút thanh khoản và tăng lãi suất khi có tín hiệu cho thấy lạm phát giảm chậm và bắt đầu gây bất ổn xã hội như tạo sức ép tăng lương, đời sống người dân khó khăn, làm việc trì trệ không hết công suất… Một số ngành ở Anh và Mỹ sẽ tăng lương một đợt lớn vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2023, sẽ tạo một vòng xoáy lạm phát mới và làm người dân kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục còn cao.

Một tấm biển ghi “FDIC Insured” (Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ đảm bảo mọi khoản tiền gửi của khách hàng) trên cửa một chi nhánh của NH First Republic Bank ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Một tấm biển ghi “FDIC Insured” (Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ đảm bảo mọi khoản tiền gửi của khách hàng) trên cửa một chi nhánh của NH First Republic Bank ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước có thể bị “trói tay” ở thế tiến thoái lưỡng nan. Cụ thể, nếu tung thêm tiền ra giải cứu hệ thống tài chính thì càng khuyến khích lạm phát tăng, mà cũng khiến nhiều NH cảm thấy họ được “bảo vệ” nên tiếp tục làm ăn nhiều rủi ro. Còn nếu không tăng thêm tiền thì rủi ro vỡ nợ NH sẽ còn tiếp tục. Tình trạng thua lỗ trái phiếu và thu hẹp tín dụng sẽ còn tiếp tục, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới nhiều DN đang vay nợ lớn trong nền kinh tế. .

Thế lưỡng nan này cần được chính phủ Mỹ xử lý thế nào?

+ Trong bối cảnh này, tôi cho rằng những liệu pháp được chính phủ các nước đưa ra sẽ mang tính trấn an ngắn hạn để người gửi tiền không rút tiền khỏi NH. Tuy nhiên như kinh nghiệm những cuộc khủng hoảng NH 1980-1990 và 2007-2009 cho thấy, những tổ chức đã suy yếu sẽ tiếp tục suy yếu, và cứ vài tháng thì sẽ nảy sinh ra vấn đề mới, cho đến khi những khối rủi ro lớn vỡ ra và buộc phải xử lý.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trấn an rằng tình trạng hỗn loạn đang khuấy động hệ thống ngân hàng Mỹ đã giảm bớt, trong cuộc phỏng vấn trước sân Nhà Trắng ngày 17-3. Ảnh: BLOOMBERG

Tổng thống Mỹ Joe Biden trấn an rằng tình trạng hỗn loạn đang khuấy động hệ thống ngân hàng Mỹ đã giảm bớt, trong cuộc phỏng vấn trước sân Nhà Trắng ngày 17-3. Ảnh: BLOOMBERG

Cho đến bây giờ, nước Mỹ cần một sự hợp tác công-tư, đó là NH lớn phải mua lại một phần các NH có vấn đề. Ít nhất để người gửi tiền yên tâm, và để Bộ Tài chính và NH trung ương các nước có thêm thời gian xử lý câu chuyện lạm phát trước, hy vọng những khối u nguy hiểm trong ngành NH sẽ được kiểm soát, ít nhất cho tới khi lạm phát trượt xuống để họ có thể kéo lãi suất xuống hoặc không cần tiếp tục tăng nữa.

Lưu ý, trong bối cảnh Credit Suisse của Thụy Sĩ - một NH có tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều các NH nhỏ của Mỹ cộng lại - lâm vào khó khăn và gây lo lắng toàn châu Âu, thậm chí Mỹ, thì NH Trung ương châu Âu (ECB) vẫn phải tăng lãi suất chính sách lên thêm 0,5% trong tuần vừa rồi, bởi không có lựa chọn.

Nếu lạm phát tăng mạnh trở lại, tác động của nó lên DN và NH sẽ còn tệ hơn. Các NH trung ương lúc này đang đứng trước những lựa chọn rất khó khăn, và chỉ có thể đưa ra các quyết định mà họ nghĩ ít xấu nhất.

. Nhân chuyện ông nhắc đến châu Âu, hiện đã có những lo lắng rằng khủng hoảng NH như ở Mỹ có thể diễn ra ở châu Âu. Là chuyên gia làm việc tại Anh, ông suy nghĩ như thế nào về viễn cảnh châu Âu cũng có thể gặp những khó khăn tương tự như Mỹ hiện nay?

+ Những gì diễn ra ở Mỹ sẽ không dừng lại ở Mỹ. Nhiều NH châu Âu cũng có vấn đề tương tự, khi mà lãi suất tăng nhanh thì nhiều tài sản, khoản vay, sẽ gặp rủi ro. Vấn đề không ở lãi suất tăng mà thôi, mà vấn đề là nó tăng quá nhanh.

Trụ sở NH Credit Suisse ở London (Anh) ngày 16-3. Ảnh: AP

Trụ sở NH Credit Suisse ở London (Anh) ngày 16-3. Ảnh: AP

Các bộ phận quản trị rủi ro của NH sẽ rất khó xoay sở trong bối cảnh các khoản thua lỗ tăng quá nhanh, nếu họ tìm cách cắt giảm danh mục gấp rút, hay bỏ một lượng tiền lớn ra để phòng ngừa rủi ro, thua lỗ sẽ xuất hiện trên bảng cân đối, và tin đồn lan ra trên mạng xã hội, hậu quả là người dân sẽ đổ tới rút tiền.

Ngay cả trong trường hợp không diễn ra tình trạng đó, như Thụy Sĩ đang nhanh chóng can thiệp trong trường hợp của Credit Suisse, và một NH lớn khác là UBS mua lại Credit Suisse, thì vẫn xảy ra trường hợp là sau đó nhiều khu vực cho vay của Credit Suisse sẽ bị cắt giảm, nghĩa là điều kiện tín dụng trên thị trường sẽ khó khăn lại.

Trong bối cảnh đó, những ngành kinh doanh bị siết lại điều kiện cho vay sẽ gặp rắc rối, và rắc rối của DN sớm muộn gì cũng sẽ làm tăng nợ xấu hay chi phí vốn của NH. Đây cũng là hệ quả tất yếu khi lãi suất tăng nhanh và điều kiện tín dụng thắt chặt theo đúng ý muốn chống lạm phát, giảm thiểu rủi ro hệ thống NH của các NH trung ương.

Đọc thêm