Người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn kép- Bài 1

Bà nội trợ méo mặt, doanh nghiệp như ngồi trên lửa

LTS: Gần đây hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đáng lo ngại, người dân đang phải trả tiền nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến thu nhập giảm. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận thực tế ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực để thấy những khó khăn của người dân và nỗ lực của các doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp (DN), nhà cung cấp cho rằng nguyên nhân khiến giá hàng hóa thành phẩm tăng cao chủ yếu do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng mạnh trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Người tiêu dùng méo mặt

Bà Lê Thị Thảo (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết mới mua một chục móc quần áo bằng nhôm với giá tăng đến 5.000 đồng/chục tùy kích cỡ. Hiện loại móc nhỏ giá bán lên tới 25.000-30.000 đồng, loại lớn nhất có giá 35.000 đồng/chục.

Chủ một cửa hàng đồ gia dụng tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cũng cho hay từ tết đến nay, tất cả đồ nhựa, nhôm, inox của các hãng tăng 5%-15% tùy dòng sản phẩm trung bình hay cao cấp. Ví dụ, nồi inox tùy độ dày mỏng, cao cấp hay bình dân đều tăng từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng.

Chẳng hạn, dòng nồi cao cấp ba đáy Fivestar loại nhỏ nhất hiện có giá 160.000 đồng/cái, tăng 10.000 đồng/cái so với trước. “Dù kinh doanh, buôn bán khó khăn nhưng các tiểu thương cố gắng thích nghi như giảm lợi nhuận để cạnh tranh nhau, không làm mất khách hàng” - chủ cửa hàng này nói.

Một đại lý bán hàng gia dụng khác tại quận Phú Nhuận thông tin tất cả sản phẩm từ nhựa của các thương hiệu đều tăng ít nhất 5%-10%. Thậm chí tấm nhựa lót sàn dùng để nuôi gà tăng đến 40%.

Khảo sát tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, bột tẩm chiên, đường cát… tăng giá khá cao so với trước. Ví dụ, mặt hàng dầu ăn của các hãng tăng trung bình 1.000-2.000 đồng/chai. Giá một số mặt hàng khác, như phô mai từ 26.000 đồng tăng lên 29.000 đồng/hộp.

Đại diện Saigon Co.op mới đây thông tin: Từ giữa cuối tháng 4-2021 đã nhận được đề nghị sẽ tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5, trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền... Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay tất cả đề nghị tăng giá của nhà cung cấp sẽ được đơn vị xem xét cẩn trọng, không áp dụng tăng giá ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý dựa trên đặc trưng của từng lô hàng, từng ngành hàng.

“Bên cạnh nỗ lực giữ giá, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của các đối tác là các nhà sản xuất, nhà cung cấp cùng đồng lòng cắt giảm lợi nhuận để giảm giá hàng hóa nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng” - ông Đức nói.

Tương tự, đại diện Siêu thị Big C thông tin đơn vị đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp của hai ngành hàng đường và dầu ăn với mức tăng nhẹ. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là nguyên liệu đầu vào tăng giá nên buộc phải đề nghị tăng.

Từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu như inox và nhựa đã tăng đến 40%-50% so với cuối năm 2020. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp bị tác động kép

Theo ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc marketing và truyền thông Công ty Qui Phúc, từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu như inox và nhựa đã tăng đến 40%-50% so với cuối năm 2020. Việc giá nguyên liệu tăng bất ngờ là bài toán khó đối với các công ty sản xuất nói chung và với đơn vị sản xuất đồ nội ngoại thất inox nhựa như Qui Phúc nói riêng.

Trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng cao và chưa thấy điểm hạ nhiệt, công ty không có cách nào khác là chấp nhận thu hẹp lợi nhuận xuống thấp nhất. Cạnh đó, công ty buộc phải điều chỉnh tăng giá theo nhịp cung - cầu thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất và việc làm của hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên. “Tính đến nay, chúng tôi đã phải ba lần đưa ra quyết định điều chỉnh tăng giá với gần 15%” - ông Đảo nói.

Theo ông Đảo, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, sức mua giảm thì việc tăng giá nguyên vật liệu giống như “cơn sóng thần thứ hai” khiến các DN khó khăn hơn. “Chúng tôi phải chủ động dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, thương lượng các giải pháp với nhà cung cấp, tối ưu hóa chi phí sản xuất, cắt giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi… để cố gắng giữ giá thành sản phẩm” - ông Đảo nói.

Ở lĩnh vực nước giải khát, ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Dona Newtower, cho biết các nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Vì vậy, đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Chẳng hạn bao bì giấy, vỏ lon tăng 15%-20%, chưa kể mới nhất là đáy, nắp lon cũng vừa thông báo tăng giá.

Ông Bảo nói: “Từ đầu năm đến nay, sức mua thị trường giảm mạnh đến 30% nên các công ty cũng cố gắng cầm cự. Nhưng với đà tăng của giá nguyên vật liệu cộng với giá xăng dầu tăng, DN chắc chắn sẽ điều chỉnh giá tăng. Chúng tôi đang xem xét thời điểm nào sẽ tăng thì phù hợp”.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, một số đơn vị sản xuất trứng than phiền sản lượng trứng cung cấp cho chế biến hay sản xuất bánh kẹo giảm 40%-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí đầu vào tăng khiến các đơn vị kinh doanh phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh và các phương án cân đối chi phí phát sinh để không bị lỗ, mất khách hàng.

Tuy rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sức mua kém nhưng các DN cố gắng giữ giá, tận dụng hết nguồn nguyên liệu dự trữ.

“Phải nói rằng trong thời điểm sức mua yếu, giá đầu vào tăng, trong khi hàng hóa bán ra lại phải kìm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng đang khiến các DN ngành chúng tôi “đứng trên đống lửa” vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm. Tới đây, nguồn nguyên liệu dự trữ hết, giá nguyên liệu dự báo chưa có chiều hướng giảm thì DN khó có thể duy trì kìm giá được nữa. Nếu tiếp tục, DN sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ” - bà Chi bộc bạch.

Chưa dừng hoạt động nhưng phải giảm quy mô sản xuất

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh. Chính điều này khiến các công ty trong ngành đã khó vì dịch COVID-19 nay càng khó hơn. Đơn cử như các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5%-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng 15%-70%, bao bì tăng 10%-15%, găng tay cao su tăng 300%...

“Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu lại tiếp tục tăng đẩy giá xăng trong nước tăng, khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên. Tất cả yếu tố này đã làm tăng cao chi phí sản xuất các sản phẩm đầu ra chủ lực của ngành chế biến thực phẩm từ trứng, thịt heo, thịt gà, thủy sản…” - bà Chi nói.

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, đến thời điểm này, ngành chế biến thực phẩm TP.HCM chưa có DN nào dừng hoạt động hẳn nhưng đã giảm sản lượng sản xuất.

Chỉ số giá tiêu dùng đang đi lên

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12-2020 và tăng 2,9% so với tháng 5-2020.

Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5 tăng.

Đáng chú ý, so với tháng trước, có tám nhóm hàng tăng giá và ba nhóm giảm giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,76%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%.

Đối với nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm này tăng do giá thép, cát, xi măng tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93%. Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở cũng tăng 0,45% do nhu cầu sửa chữa nhà tại một số địa phương tăng. Chỉ số giá điện, nước sinh hoạt cũng lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu sử dụng cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm