Bà Phương Hằng livestream gây sốc và hậu quả pháp lý

Những livestream gần đây của bà Nguyễn Phương Hằng thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Có buổi livestream thu hút 500.000 người xem cùng lúc. Nội dung trong các livestream đa số xoay quanh vụ việc “thần y” VHY, nghệ sĩ HL cùng nhiều lời tố về lối sống, đời tư của người khác, trong đó có nhiều nghệ sĩ. Những lời lẽ nặng nề chưa được kiểm chứng này gây bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Buổi họp báo của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: LÊ ÁNH

Đã bị phạt hành chính và hứa không tiếp tục livestream!

Trước đó, bà Hằng đã bị Sở TT&TT TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng liên quan đến việc đưa thông tin làm tổn hại uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và cá nhân chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Nhằm hạn chế các mặt tiêu cực của mạng xã hội, tăng cường công tác quản lý, công tác phối hợp để xử lý các vi phạm của người dùng, ngày 28-5, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn 1800 gửi UBND các tỉnh, thành phố về vấn đề này.

Sáng 29-5, đại diện của bà Hằng đã có buổi làm việc với Sở TT&TT TP.HCM và cam kết sẽ không livestream tối hôm đó.

Tuy nhiên, sau đó bà Hằng lại livestream để nói về các góc khuất liên quan đến vị lương y, liên quan đến việc hầu đồng, liên quan đến việc quyên góp tiền từ thiện của người hoạt động trong giới showbiz. Hàng loạt câu hỏi cần được người có trách nhiệm giải đáp xung quanh việc sao kê chi tiết tài khoản quyên góp, quá trình giải ngân, đối tượng được giải ngân. Hàng loạt cái tên và địa chỉ được nêu ra dưới nhiều hình thức khác nhau, công khai có, ẩn dụ có khiến mạng xã hội dậy sóng.

Trong buổi livestream tối 10-6, bà Hằng đã sử dụng những từ ngữ để nói về người khác như “một con quỷ đội lốt người”, “một con rắn độc”, “một sát thủ không hề tầm thường”...

Liệu những phát ngôn trên mạng của bà Hằng có phạm luật, có vi phạm đạo đức hay thuần phong mỹ tục? Nếu cho rằng mình bị thiệt hại bởi những ngôn từ của bà Hằng trong các buổi livestream thì người trong cuộc có quyền làm gì, làm như thế nào?

Không thể chấp nhận việc “thế thiên hành đạo”

Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, về sự việc bà Hằng liên tục có phát ngôn không kiểm chứng về người khác.

“Mọi công dân có quyền tố cáo sự việc vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng. Nếu không sử dụng quyền này mà lại livestream, công khai đả kích, nhục mạ người khác, kết tội người ta... thì đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc vi phạm pháp luật của người khác (nếu có) sẽ bị xử lý theo pháp luật. Còn hành vi tự xem mình như kiểu “thế thiên hành đạo” là không thể chấp nhận” - luật sư Đức nêu quan điểm.

Theo luật sư Đức, ai cũng có quyền tự do ngôn luận nhưng không thể tự do ngôn luận bất chấp hậu quả, bỏ qua quyền và lợi ích của cá nhân khác. Quá trình livestream, có những cao trào bà Hằng đã dùng ngôn từ xấu, nhắc đích danh và bóng gió các cá nhân khác cũng như vơ đũa cả nắm giới nghệ sĩ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đồng tình, luật sư Trần Giáng Hương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng lời nói thiếu cân nhắc, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác có thể gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội của giới trẻ, đặc biệt khi đó là phát ngôn của người nổi tiếng.

“Những người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể làm đơn khởi kiện hoặc tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân và chấm dứt hành vi vi phạm. Người bị hại không nên chọn cách im lặng hoặc dùng hình thức tương tự để đáp trả” - luật sư Giáng Hương nói.

Cần mạnh tay chấn chỉnh

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng cần thiết có những biện pháp mạnh tay hơn nữa từ các cơ quan chức năng để chấn chỉnh. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền này bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc quyền lợi của Nhà nước thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như tội vu khống; làm nhục người khác; chuyển hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Theo luật sư Cường, những buổi livestream của bà Hằng đang gây những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng. Hiện tượng nói tục, chửi bậy, chửi bới lẫn nhau ngày càng phổ biến.

“Đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để đánh cắp dữ liệu, xúc phạm danh dự dần trở nên phổ biến. Những điều này làm ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục” - luật sư Cường phân tích.

Người bị thiệt hại thu thập chứng cứ và khởi kiện

Theo Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020 thì người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân… sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên, để xử phạt được cần làm rõ hai điều kiện: Thứ nhất, các thông tin đã được cung cấp, chia sẻ trên không gian mạng là đúng hay sai, có được cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra chưa. Và những thông tin này có được xem như là một thông tin tố giác tội phạm không. Chỉ khi thông tin trên là sai thì mới có căn cứ để xử lý.

Thứ hai, nếu người livestream dùng phép ẩn dụ để nói thì làm sao xác định được ai là người bị xúc phạm. Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị nêu tên trong các buổi livestream là chính danh thì mới có căn cứ để xử lý.

Tóm lại, một người dùng mạng xã hội chỉ bị xử lý khi vi phạm cùng lúc cả hai điều kiện nói trên. Nếu có ai đó cho rằng mình là người bị ám chỉ và bị xúc phạm trong buổi livestream thì có quyền yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng và khởi kiện.

Luật sư ĐOÀN VĂN THÀNHĐoàn Luật sư TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm