Bà Phương Hằng livestream và giới hạn tự do ngôn luận

Mỗi người có quyền bàn luận về các vấn đề xã hội và đó là một phần nội dung của tự do ngôn luận, nhưng lời nói mà khiến người khác bị tổn thương là vượt quá giới hạn của quyền đó.
Chửi rủa người khác luôn bị coi là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Mức độ nặng nhẹ không chỉ tuỳ theo tính chất của ngôn từ sử dụng mà còn tuỳ thuộc vào sức lan toả của lời nói, hình ảnh về cử chỉ.
Mắng chửi nhau giữa hai người và trong không gian chỉ có hai người thôi hoàn toàn khác với việc mắng chửi cũng như thế nhưng ở nơi công cộng và trước sự chứng kiến của nhiều người. Đây được coi là hành vi công khai việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Phạm vi công khai càng rộng, nghĩa là càng có nhiều người biết, thì mức độ tổn thương càng cao.

Sau lần tổ chức họp báo, bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều buổi livestream với lời lẽ, ngôn từ đụng chạm đến nhiều người. Ảnh: LÊ ÁNH

Không gian mạng được coi là nơi công cộng theo đúng nghĩa. Việc dùng mạng xã hội để thực hiện hành vi mắng chửi chẳng khác gì đứng giữa nơi công cộng chửi người khác, thậm chí mức độ lan truyền còn khủng khiếp hơn.
Nói không gian mạng bất ổn và coi đó là hiện tượng không bình thường thì hơi bi quan. Bất kỳ nơi công cộng nào cũng có nguy cơ trở thành nơi được lựa chọn để thực hiện những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với mục đích lăng nhục. Đó là một thực tế, đúng hơn, là thách thức mà nhà chức trách, nhà quản lý phải đương đầu và phải có biện pháp ứng phó.
Người bị mắng chửi bằng những lời nặng nề luôn có quyền cho rằng mình đã bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Người này có quyền yêu cầu quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng cách áp dụng các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các quy định liên quan trong Bộ luật Dân sự.
Trường hợp có dấu hiệu lăng nhục đến mức phải xử lý hành chính hoặc hình sự thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải vào cuộc.
Luật không thiếu, vấn đề là người bị thiệt hại phải tích cực trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.
Một người đã quyết định kiện một người khác yêu cầu bồi thường thiệt hại do những phát biểu trên mạng vừa qua. Đó là cách ứng xử đúng.
Các cơ quan chức năng cũng phải phát huy vai trò của mình. Vừa qua, Bộ TT&TT có ra văn bản nhắc nhở các đia phương, ban, ngành về việc chấn chỉnh hành vi ứng xử trên mạng xã hội; Sở TT&TT TP.HCM cũng đã liên lạc trực tiếp với bà Nguyễn Phương Hằng - người thực hiện livestream gây ồn ào mấy ngày qua - và yêu cầu người này ngưng thực hiện hành vi.
Đó là những động thái tích cực!
Cần làm mạnh hơn, xử lý hành chính, thậm chí hình sự đối với những trường hợp đủ điều kiện xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới