Ngày 21-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên toà tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).
Chuyển cho chồng và cháu hơn 1.600 tỉ đồng
Trước khi bắt đầu, chủ toạ phiên toà thông báo nhận được đơn của bị cáo Trương Mỹ Lan. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có đơn yêu cầu chuyển số tiền 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí nộp trả cộng thêm 300 tỉ đồng của một người khác trả mình, tổng là 1.300 tỉ đồng tự nguyện chuyển cho cháu là Trương Huệ Vân để khắc phục hậu quả vụ án.
Yêu cầu thứ hai là bà Trương Mỹ Lan đồng ý chuyển 300 tỉ đồng cho chồng là Chu Lập Cơ để sử dụng khắc phục hậu quả trong vụ án.
Phiên toà tiếp tục với phần bào chữa của các LS bào chữa cho các bị cáo đang bị truy nã. Theo đó, các LS cho rằng các bị cáo đang bỏ trốn nên quá trình điều tra không ghi nhận được ý kiến, lời khai. LS không biết được ý chí của các bị cáo khi thực hiện hành vi.
Đồng thời, các LS cũng cho biết các bị cáo này đều tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên, là người làm công ăn lương nên đề nghị HĐXX căn cứ vào hồ sơ có trong vụ án xem xét một cách khách quan, hợp tình hợp lý để có phán quyết khách quan, phù hợp, toàn diện, nhân văn nhất đối với các bị cáo.
Day dứt vì đã giúp vợ gây ra hậu quả đặc biệt lớn
Bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ, LS cho biết tại phần luận tội của đại diện VKS bị cáo Chu Lập Cơ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nhưng đại diện VKS đã đề nghị mức án 11-12 năm là quá nghiêm khắc đối với thân chủ của mình.
LS của ông Cơ cũng cho biết giống như LS của Trương Mỹ Lan đã trình bày về hoàn cảnh, bối cảnh và nguyên nhân của vụ án thì ông Cơ ký các văn bản để cho mượn tòa nhà Time Square thế chấp vào ngân hàng SCB với mục đích là giúp vợ mình cơ cấu lại ngân hàng này. Để có thể tái cơ cấu lại ngân hàng vợ ông Cơ đã cho ngân hàng mượn tài sản của gia đình mình và huy động bạn bè để cho mượn tài sản, trong đó có tài sản của ông Cơ. Việc ông Cơ cho vợ mượn tài sản xuất phát từ niềm tin tuyệt đối vào vợ của mình với mục đích cứu ngân hàng trước bờ vực đổ vỡ.
LS cũng cho rằng dù bị cáo Chu Lập Cơ bị truy tố với vai trò đồng phạm giúp sức cho vợ mình nhưng bản thân ông không có bất cứ mối liên hệ nào với các khoản vay của SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Cơ cũng không có mục đích, động cơ vụ lợi nào mà chỉ đơn giản là cho vợ mượn tài sản để tái cơ cấu ngân hàng.
Vấn đề tiếp theo mà LS trình bày liên quan đến vấn đề định giá tài sản, theo đó LS cho rằng Công ty Hoàng Quân chỉ định giá giá trị tài sản gắn liền trên đất mà không định giá giá trị quyền sử dụng đất tại tòa nhà Time Square để đối trừ các khoản nợ là không phù hợp và gây bất lợi cho thân chủ của mình. Việc định giá không đúng dẫn đến xác định sai hậu quả của vụ án làm ảnh hưởng đến sinh mệnh pháp lý của một con người.
Về các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Cơ, LS cũng cho biết ngay từ đầu thân chủ của mình đã có đơn tự nguyện khắc phục hậu quả của vụ án. “Trong suốt quá trình điều tra ông Chu Lập Cơ luôn day dứt vì đã giúp sức cho vợ mình gây ra hậu quả đặc biệt lớn. Ông Chu Lập Cơ có sao nói vậy, không quanh co chối tội”- LS nói. Cạnh đó bản thân ông Chu Lập Cơ và gia đình đã tài trợ xây dựng bệnh viện dã chiến, mang hàng chục triệu liều vaccine về để phục vụ người dân TP.HCM trong thời điểm dịch COVID-19.
Bào chữa bổ sung, bị cáo Chu Lập Cơ cũng cho biết luôn xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình vì đã lập gia đình và có nhiều công việc làm ăn ở đây. Bị cáo này thừa nhận đã ký vào nhiều văn bản để đồng ý cho vợ mình mượn tài sản để thế chấp vào ngân hàng SCB.