Những ngày giáp tết, người ta thấy ông già mặc bộ bà ba trắng, tóc bạc phơ bới củ tỏi vào ra ngày mấy bận ở bãi giữ xe BV Đa khoa Thạnh Phú, Bến Tre. Ông dốc sức chăm người mẹ hơn trăm tuổi để sức khỏe được ổn định mà vui vầy cùng con cháu những ngày tết tại gia đình.
Mớm từng muỗng cháo cho mẹ. Ảnh: T.C.NGHĨA
Má ơi, con là thằng Năm nè!
Ông già 85 tuổi này được mọi người gọi tên thân mật là Năm Đức (Nguyễn Văn Đức). Từ bãi giữ xe, ông Năm Đức bước xuống xe tay xách bịch đồ lỉnh kỉnh đi thẳng vào khoa cấp cứu. Gương mặt ông đô nhậu, vài cọng râu bạc rung lên mỗi khi ông cười.
Bỏ đôi dép ngoài cửa phòng, ông tiến vào bên trong đến bên giường bệnh cạnh cửa sổ. Mẹ ông, cụ Trần Thị Nguy (114 tuổi), đang nằm trên giường nhìn thấy ông liền trở mình xoay mặt vào trong. Trên bàn tay nhăn nheo của cụ, đường ống truyền dịch vẫn còn với miếng băng keo trắng. Tô cháo để trên chiếc bàn gần đó bốc hơi nghi ngút. Một phụ nữ đứng tuổi (là người họ hàng với ông Năm) thấy ông tới liền mừng ra mặt: “Ông Năm ơi, bà không chịuăn. Bà nói phải chờ ông đến mới chịu. Nhưng khi bà thấy ông bà lại quay mặt vào trong kìa. Bà giận ông rồi đó’’.
Ông Năm cúi xuống nói nhỏ vào tai mẹ: “Má ơi, con là thằng Năm nè. Má dậy ăn cháo nha!’’. Cụ vẫn nằm im. Dường như đã quen với cách làm nũng này, ông lòn tay qua cổ đỡ cụ ngồi dậy.
Ông với qua bàn lấy tô cháo, dùng chiếc muỗng trộn đều. Hơi nóng bốc lên nghi ngút. Múc một muỗng ông đưa lên miệng thổi nhiều lần. “Nguội rồi, má ăn một chút cho khỏe”. Cụ há miệng. Hết muỗng này đến muỗng khác, chẳng bao lâu tô cháo hết sạch. Chính vì cụ luôn muốn ông ở cạnh bên nên chẳng bao giờ ông dám đi đâu xa, đi đâu cũng tranh thủ về thật nhanh với mẹ.
Ông đỡ cụ nằm xuống. Lấy tấm mền mỏng đắp qua người, ông kéo ghế ngồi cạnh giường cụ phe phẩy chiếc quạt cho cụ bớt nóng. Ông Năm cho biết sau khi cho cụ ăn sáng và uống sữa xong cụ kêu mệt.
Ông lấy dụng cụ đo huyết áp cho cụ thì thấy huyết áp lên cao, gọi xe cấp cứu không có đành phải gọi một xe tải rồi cột võng đưa cụ vào bệnh viện. Giờ thì cụ cũng khỏe nhiều rồi.
Cõng mẹ đi chơi
Dù tuổi cao nhưng cụ Trần Thị Nguy còn rất minh mẫn, vẫn nhớ nhiều chuyện đã qua. Theo nhiều người kể lại, cụ chỉ mới ngưng lao động khoảng năm năm nay. Cuộc sống của cụ giản dị, đạm bạc. Chung quanh cụ con cháu đầy đàn nhưng cụ chỉ muốn tuổi già được sống trong sự chăm sóc của người con trai út là ông Năm Đức.
Ông Năm là người ở với cụ từ nhỏ đến giờ. Sau bao nhiêu năm mẹ con gắn bó bên nhau, giờ đây ở tuổi về chiều cả hai cũng không thể tách rời nhau. Ông Năm hằng ngày lo cho cụ từ miếng ăn đến giấc ngủ. Thức ăn hằng ngày được vợ ông chế biến nhưng chỉ có ông mới cho cụ ăn được. Không ai có thể thay thế ông trừ một vài trường hợp đặc biệt. Những khi buồn chán, ông thường cõng mẹ đi khắp xóm đến những nhà quen biết cho cụ trò chuyện giải khuây.
Ở cái tuổi của ông Năm, đáng lý ra ông phải được con cháu chăm lo sức khỏe. Ông có thể ung dung rong chơi nhàn tản. Vậy mà không, hằng ngày ông vẫn lao động ruộng vườn để có cái ăn cái mặc, đi chợ mua những thức ăn mẹ thích như cá lóc và tép đồng về để vợ nấu cho mẹ ăn.
Nhìn cách ông Năm chăm cụ, bón từng muỗng cháo một cách nhẹ nhàng, ân cần và trìu mến chúng tôi thật sự cảm động. Đầu năm, tôi muốn hình ảnh này sẽ lan rộng để mọi người noi theo báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ.
Khi chúng tôi hỏi thăm, cụ Trần Thị Nguy cười tươi rói, móm mém cho biết cụ rất thích những ngày tết vì được gặp con cháu đủ đầy. Một năm chỉ có một lần sum họp để biết từng đứa cháu làm ăn ra sao, cuộc sống thế nào. Những đứa thành công thì dạy chúng đừng tự mãn mà xem nhẹ giá trị đạo đức làm người. Với đứa thất bại thì khuyên chúng không nên chán nản vì thất bại là mẹ đẻ của thành công... Nghe cụ nói, nhìn ông Năm chăm mẹ chúng tôi thấy trong lòng xốn xang. Dường như trong bối cảnh hiện nay khó tìm được một hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa. Chỉ còn biết cầu mong cho cụ, cho ông Năm sống mãi để làm tấm gương cho thế hệ con cháu soi chung... ----------------------------------------- Gia đình tôi ngụ ấp An Ngãi, xã An Thạnh từ nhiều đời nay.Tôi có nhiều anh chị em nhưng cuối cùng chỉ còn lại tôi và người anh thứ tư. Người anh tư ra riêng tự lập từ rất sớm nên chỉ còn mỗi vợ chồng tôi ở với cụ. Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC |
TRẦN CHÁNH NGHĨA