Chữ hiếu

Lễ Vu Lan, còn gọi là Vu Lan Bồn, xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiều Liên, một đại đệ tử của Phật Thích Ca, đã cùng các tăng sĩ tụng kinh cầu nguyện cứu mẹ ngài thoát kiếp ngạ quỷ ở địa ngục. Từ đó Vu Lan trở thành ngày lễ báo hiếu của Phật giáo để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Kể cả những người Á Đông không theo đạo Phật vẫn hưởng ứng nhiệt tình ngày lễ mang nhiều ý nghĩa này. Bởi các dân tộc Á Đông, trong đó có người Việt ta, chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng Mạnh thì chữ hiếu là một trong những điều nằm lòng của mỗi người từ lúc ấu thơ. Còn các dân tộc có nền văn minh khác lại có cách biểu lộ tri ân, báo hiếu khác nhau, như người Mỹ thì có Ngày của cha và Ngày của mẹ cũng giống lễ Vu Lan của người theo đạo Phật. Trong những ngày này họ tổ chức thăm viếng, tặng hoa, quà và vấn an cha mẹ, bởi ở Âu Mỹ hầu hết con cái có gia đình đều sống riêng, ít khi sống chung với cha mẹ. Kể cả những người đã trưởng thành dù còn độc thân cũng thường tự lập, sống riêng. Do vậy nhiều người cao tuổi phải vào sống trong viện dưỡng lão, con cháu lâu lâu vào thăm viếng quà cáp mà thôi, tình nghĩa ông bà con cháu rất phai nhạt. Không như những gia đình ở Á Đông, con cái dẫu đã lập gia đình, sinh con đẻ cái vẫn sống chung với cha mẹ; tam tứ đại đồng đường - ba bốn thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà.

Người Việt Nam chắc ai cũng thuộc câu ca dao Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Thế nhưng cũng có câu ca dao phê phán những người con không làm tròn bổn phận hay đối xử tệ bạc với cha mẹ:Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày… Mà những chuyện như thế không phải hiếm. Còn nhiều chuyện tệ hại hơn nữa vẫn xảy ra xung quanh ta hằng ngày và đầy rẫy trên báo chí. Như chuyện con trai bóp cổ mẹ bắt mẹ ký giấy sang tên nhà đất cho hắn ta hoặc chuyện một học sinh nhờ bạn dựng chuyện bị bắt cóc để đòi tiền chuộc của mẹ mình!…

Chợt nhớ một bài hát về tình mẹ mà thế hệ chúng tôi ở miền Nam trước 1975 hầu như ai cũng biết, cũng thuộc một vài câu là bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân. Lời bài hát giản dị mà sâu lắng, cùng với nhịp điệu nhẹ nhàng chậm rãi, dễ đi vào lòng người: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/ Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào… Hoặc bài Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết dựa theo ý một bài tản văn của thiền sư Nhất Hạnh. Ý chính bài văn này là trong lễ Vu Lan, nếu người nào còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người mất mẹ thì cài bông hồng trắng. Và nhạc sĩ đã lấy ý nghĩa cài bông hồng phổ thành một bài hát tuyệt hay làm xao động tâm hồn biết bao người trong nửa thế kỷ qua.

Chúng ta vẫn thường nghe nói đến nhiều người khi cha mẹ còn sống chẳng thèm quan tâm, đến khi cha mẹ chết thì tổ chức tang ma cúng tế linh đình, đặt làm hàng mã xe hơi nhà lầu, vàng bạc, thậm chí cả ôsin để đốt xuống hầu hạ cha mẹ dưới âm phủ. Thật ra những chuyện nặng phần trình diễn ấy mục đích là làm nở mặt nở mày người sống mà thôi, chứ chắc gì là hiếu đễ.

Chuyện báo hiếu mỗi người có cách thể hiện riêng và trong điều kiện cho phép. Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Nhiều người than phiền rằng thế hệ trẻ hôm nay thiếu lễ phép, không có được lòng hiếu kính ông bà, cha mẹ như các thế hệ trước. Nhưng theo tôi, không nên vội trách các em các cháu, bởi ở thời đại mới, trong thế giới phẳng tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, họ có thể có cách cư xử khác trước, không còn chuyện vòng tay đứng hầu, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, miễn sao họ vẫn một lòng kính yêu ông bà, cha mẹ.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm