Bác sĩ giải đáp 4 câu hỏi về bệnh bạch hầu

Trong tháng 6-2020, Việt Nam ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn 2 huyện Krông Nô và Đắk Glong thuộc tỉnh Đắk Nông. Trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Tuần qua, nhiều bạn đọc gửi các câu hỏi thắc mắc xung quanh bệnh bạch hầu.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngọc Minh, Trung tâm Y tế quận Bình Tân, TP.HCM, sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc:

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị bệnh nhi bị bạch hầu. Ảnh: DUY TÍNH

Thời điểm bệnh xuất hiện nhiều?

Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Do vậy, tốc độ lây lan rất nhanh và có thể xâm nhập qua da đã bị tổn thương gây bạch hầu da.

Khoảng 2 tuần sau nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể lây nhiễm người khác.

Bạch hầu xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9 và 10 trong năm.

Triệu chứng bệnh?

Sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn là các dấu hiệu điển hình của bạch hầu. Khoảng 2 tới 3 ngày sau, giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen xuất hiện mặt sau hoặc 2 bên thành họng. Điều này khiến người bệnh khó thở, khó nuốt và cũng là dấu hiệu quan trọng để nhận biết bệnh.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có dấu hiệu sưng to cổ (do nổi hạch dưới hàm), khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt (do nhiễm độc thần kinh làm tê liệt thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác). Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.

Các biến chứng của bệnh?

Bạch hầu có thể gây biến chứng tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, viêm cơ tim. Bên cạnh đó, rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong; liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động cũng là những biến chứng của bạch hầu.

Bạch hầu là bệnh gì?

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và bộ phận cơ thể. Bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có dính chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Ngừa bạch hầu: Tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch

Theo BS Hoài Thương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh bạch hầu nếu chưa có miễn dịch với bệnh.

Điều đáng quan tâm hiện nước ta chưa loại trừ được hẳn bạch hầu nên có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. 

Ở Việt Nam, do thực hiện tốt việc tiêm vaccine bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ mắc giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000. Bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh.

Bạch hầu thường xảy ra tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bạch hầu có thể dự phòng được bằng cách tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch. Một khi phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi và đúng lịch.

-     Mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi,

-     Mũi 2 tiêmsau mũi thứ nhất 1 tháng.

-     Mũi 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng.

-     Mũi 4 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm