Bác sĩ Hàn Quốc đình công: Đã một tháng, chưa có hướng ra

(PLO)- Đã một tháng nhưng chính phủ Hàn Quốc và các bác sĩ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để chấm dứt cuộc đình công dài ngày gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế và quyền lợi của bệnh nhân.

Sự việc bác sĩ đình công ở Hàn Quốc phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y đã kéo dài một tháng (từ ngày 20-2), gây hệ lụy rất lớn đến hệ thống y tế và bệnh nhân.

Bên cạnh việc có các động thái bảo vệ hoạt động hệ thống y tế, duy trì cứu chữa bệnh nhân như triển khai quân y hỗ trợ các bệnh viện, chính phủ và Bộ Y tế Hàn Quốc đã rất nỗ lực xử lý mong sớm kết thúc cuộc đình công dài ngày này.

Trung bình các bệnh viện lớn ở Seoul mất khoảng 1 tỉ won (750.000 USD) doanh thu mỗi ngày, do ảnh hưởng từ cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ, trong đó có BV ĐH Quốc gia Seoul và Trung tâm Y tế Asan.

Chính phủ rộng cửa đối thoại

Từ đầu tuần này, chính phủ Hàn Quốc đã cùng lúc có nhiều động thái vừa mềm vừa rắn mong sớm xử lý tình hình. Ngày 18-3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lần đầu tiên gặp phía bệnh viện và các bác sĩ, nỗ lực xử lý vụ đình công. Trong cuộc gặp với các nhân viên Trung tâm Y tế Asan (phía đông Seoul), Tổng thống Yoon kêu gọi các bác sĩ “tin tưởng vào chính phủ và tiến tới đối thoại”, theo hãng thông tấn Yonhap.

Ông Yoon cảnh báo sự nghiêm trọng của tình trạng thiếu bác sĩ trong một xã hội Hàn Quốc đang ngày càng già đi, qua đó nhấn mạnh tính cấp thiết phải giải quyết. Tổng thống Yoon kêu gọi các bác sĩ hợp tác và cởi mở, đừng khăng khăng quan điểm sẽ chỉ đối thoại một khi chính phủ nhượng bộ và điều chỉnh việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại cuộc họp nội các ngày 19-3 liên quan vụ đình công của các bác sĩ. Ảnh: YONHAP

Bên cạnh lời kêu gọi từ phía Tổng thống Yoon, cũng trong ngày 18-3 Bộ Y tế Hàn Quốc gửi thông báo đình chỉ giấy phép hành nghề y tới hai bác sĩ là lãnh đạo trong ủy ban khẩn cấp thuộc Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, theo hãng thông tấn Yonhap. Hai người này được cho là đã ủng hộ hành động đình công tập thể của các bác sĩ thực tập. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế Hàn Quốc chính thức đình chỉ giấy phép bác sĩ liên quan vụ đình công. Tuần trước Bộ Y tế tuyên bố sẽ đình chỉ giấy phép của khoảng 5.000 bác sĩ đình công nhưng chưa chính thức thực hiện.

Phía bác sĩ giữ nguyên quan điểm

Đã một tháng cuộc đình công của khoảng 90% trong 13.000 bác sĩ tập sự Hàn Quốc vẫn chưa dừng lại. Nếu không có sự thay đổi nào thì ngày 25-3 hàng loạt giáo sư ngành y từ 20 trường ĐH ở Hàn Quốc sẽ từ chức tập thể, theo tinh thần họ đã cảnh báo từ ngày 16-3. Yonhap dẫn lời ông Bang Jae-seung, Trưởng Ủy ban Khẩn cấp của hội đồng các giáo sư trường y, rằng “chúng tôi nộp đơn từ chức để ngăn chặn sự cố y tế, vì chúng tôi cho rằng chỉ có thể đạt được thỏa thuận nếu chính phủ rút lại kế hoạch tăng số lượng tuyển sinh thêm 2.000 chỉ tiêu”.

Bên cạnh động thái từ các giáo sư, nhiều tuần nay sinh viên tại 10 trường y ở Hàn Quốc đã không đến trường, 30 trường y còn lại hoãn khai giảng học kỳ mới, Bộ Giáo dục Hàn Quốc xác nhận.

Chưa biết tình hình có sớm được giải quyết hay không. Tới thời điểm này cả hai phía hầu như không thay đổi nhiều về quan điểm. Bộ Y tế Hàn Quốc vẫn chủ trương cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y để cung cấp thêm bác sĩ cho các khu vực nông thôn và các lĩnh vực thiết yếu như khoa nhi, khoa cấp cứu, khoa sản, phẫu thuật. Phía các bác sĩ vẫn giữ nguyên quan điểm từ một tháng trước là phản đối tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, vì việc này sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế và dẫn đến chi phí y tế cao hơn cho bệnh nhân. Theo phía các bác sĩ, chính phủ trước tiên nên cải thiện thu nhập của các bác sĩ và tăng cường bảo vệ pháp lý cho các bác sĩ trước các vụ kiện sơ suất y tế quá đáng.•

Các cột mốc một tháng đình công

. Ngày 20-2: 6.415 bác sĩ thực tập tại 100 bệnh viện trên khắp Hàn Quốc nộp đơn xin nghỉ, đình công.

. Ngày 22-2: Chính phủ nâng mức khủng hoảng dịch vụ chăm sóc y tế lên mức “nghiêm trọng“, mức cao nhất trong hệ thống y tế.

. Ngày 26-2: Chính phủ ra tối hậu thư, ra hạn chót để các bác sĩ quay lại làm việc vào ngày 29-2, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp pháp lý.

. Ngày 1-3: Cảnh sát khám xét trụ sở và nhà riêng của các lãnh đạo Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA).

. Ngày 3-3: Hàng chục ngàn bác sĩ biểu tình tại Công viên Yeouido (phía tây Seoul).

. Ngày 4-3: Bộ Y tế bắt đầu thủ tục đình chỉ giấy phép làm việc của khoảng 7.000 bác sĩ đình công.

. Ngày 7-3: Cảnh sát thẩm vấn lãnh đạo KMA - BS Joo Soo-ho.

. Ngày 11-3: Bộ Y tế gửi thông báo về việc đình chỉ giấy phép hành nghề tới khoảng 5.000 bác sĩ đình công.

. Ngày 16-3: Nhiều giáo sư ngành y báo động sẽ nộp đơn từ chức tập thể vào ngày 25-3.

. Ngày 18-3: Đình chỉ giấy phép hành nghề hai bác sĩ là lãnh đạo Ủy ban Khẩn cấp KMA.

Tranh cãi pháp lý

Cuối tháng 2, chính phủ Hàn Quốc ra thời hạn cho các bác sĩ đình công quay lại làm việc trễ nhất trong ngày 29-2, nếu không sẽ bị xử lý hình sự hoặc bị thu giấy phép hành nghề. Ngày 11-3, Bộ Y tế thông báo sẽ đình chỉ giấy phép của khoảng 5.000 bác sĩ không chịu quay lại làm việc.

Tờ The Korea Herald dẫn ý kiến nhiều nhân viên y tế Hàn Quốc rằng việc chính phủ yêu cầu các bác sĩ quay lại làm việc đã vi phạm Công ước 29 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cấm bất kỳ thực thể nào sử dụng lao động cưỡng bức. Theo họ, các bác sĩ có quyền tự do bắt đầu hoặc từ bỏ công việc, chính phủ không có quyền hạn chế điều này. Bác sĩ chỉ có thể bị buộc phải quay lại làm việc khi đất nước đối mặt với khủng hoảng y tế, mà chính phủ không có bằng chứng chứng minh điều này, do đó chuyện buộc bác sĩ tiếp tục làm việc là hành vi cưỡng bức lao động.

Chính phủ Hàn Quốc dẫn một điều khoản đặc biệt trong Công ước 29 của ILO cho thấy rằng việc từ chức hàng loạt của các bác sĩ có thể “gây nguy hiểm cho sự tồn tại, hạnh phúc của toàn bộ hoặc một phần người dân”. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc buộc các bác sĩ quay lại làm việc là điều có thể chấp nhận được, vì nếu không người dân sẽ đứng trước cuộc khủng hoảng y tế.

ILO vẫn chưa đưa ra quan điểm về việc chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các bác sĩ quay lại làm việc. Nhiều chuyên gia pháp lý có quan điểm khác nhau về việc này. Có chuyên gia cho rằng việc chính phủ Hàn Quốc không nhận đơn từ chức của các bác sĩ là hành vi cưỡng bức lao động, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên gia khác cho rằng yêu cầu của chính phủ Hàn Quốc không vi phạm quy định của ILO, vì về bản chất thì bác sĩ không phải là đối tượng bị cưỡng bức lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới