Bác sĩ nín thở khi phẫu thuật thai bám vào gan

(PLO)- Việc cầm máu một cơ quan mô mềm như gan được đặt ra cực kỳ khó, không thể cột gan lại để cầm máu như cách thông thường, bệnh nhân có nguy cơ mất mạng ngay trên bàn mổ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Khoa hậu phẫu, Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM), anh Thạch Thanh (quê Trà Vinh) ân cần chăm sóc, đỡ vợ uống từng ngụm nước.

Ngày 14-6, chị TTLN (26 tuổi), vợ anh, đang dần hồi phục sau khi trải qua cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh loại bỏ bào thai bám vào gan, một tình trạng cực hiếm gặp trong y văn. “Khi nghe bác sĩ (BS) thông báo tình trạng của vợ rất nặng, có thể phải cắt gan, nguy hiểm tính mạng, tay chân tôi rụng rời” - anh Thanh chia sẻ.

Hình ảnh siêu âm thai bám vào phân thùy của gan và êkíp thực hiện ca phẫu thuật thai bám vào gan. Ảnh: HL

Hình ảnh siêu âm thai bám vào phân thùy của gan và êkíp thực hiện ca phẫu thuật thai bám vào gan. Ảnh: HL

Ca bệnh hiếm gặp trong y văn

Anh Thanh kể: Ba năm trước vợ anh từng sinh mổ. Cách đây một tuần, chị có triệu chứng đau bụng, đi tiêu không được và đau ngày càng nhiều, được phòng mạch tư chẩn đoán viêm đại tràng. Sau đó, tình trạng đau bụng của chị tăng lên nên anh Thanh đưa vợ vào BV Sản Nhi Trà Vinh. Tại đây, các BS đã hội chẩn và chuyển chị N đến BV Từ Dũ do thai ở ngoài tử cung và bám vào gan đang chảy máu rất khó xử lý.

Tham gia cuộc mổ, BS CK2 Trương Thị Thảo, Trưởng Khoa sản N2, BV Từ Dũ, nhớ lại vị trí thai của sản phụ quá đặc biệt, hầu như BV không có thống kê. Sản phụ chuyển viện trong đêm nên tua trực đã xin ý kiến lãnh đạo BV và mời các BS Khoa ngoại gan BV Chợ Rẫy phối hợp.

Theo BS Thảo, ban đầu các BS ở BV Chợ Rẫy bàn bạc chuyển bệnh nhân để thực hiện thêm CT xác định cho rõ bệnh cảnh. “Tuy nhiên, ổ bụng bệnh nhân đang xuất huyết, có khả năng khối thai sẽ vỡ ra cầm máu không kịp nên di chuyển sẽ càng nguy hiểm cho bệnh nhân” - BS Thảo nói và êkíp đã quyết định không di dời bệnh nhân.

Cũng theo BS Thảo, ban đầu êkíp tính toán mổ nội soi cho bệnh nhân nhưng qua thám sát, khối thai nằm ở vị trí hạ phân thùy sáu của gan, kích thước 4x5 cm, quá sâu trong nhu mô gan đang chảy máu đỏ tươi nên đã chuyển sang mổ hở, sau đó đốt cầm máu và dẫn lưu. “Phải nói cả êkíp cùng nín thở khi thực hiện ca phẫu thuật và cầm máu. Sau ca mổ, cứ mỗi 12 tiếng chúng tôi phải theo dõi nguy cơ xuất huyết thứ phát của bệnh nhân” - BS Thảo kể lại và thở phào khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân đang tiến triển tốt.

“Nghe BS thông báo tình trạng của vợ rất nặng, có thể phải cắt gan, nguy hiểm tính mạng, tôi rụng rời tay chân”…

Cuộc phẫu thuật có một không hai

Chỉ đạo ca mổ có một không hai, BS CK2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết việc khó khăn lớn nhất của các ca có thai ngoài tử cung là xác định vị trí của thai. BV Từ Dũ từng tiếp nhận nhiều ca thai ngoài tử cung ở vị trí rất đặc biệt và “ quái” lạ như thai bám sau phúc mạc chậu ăn vào mạch máu vùng chậu, thai bám ở sau phúc mạc vùng lưng ăn vào hố thận, thai bám ở hố lách, ở gan, ở ruột…

“Thai không đóng trên bề mặt mà đóng sâu vào bên trong nhu mô gan nên nội soi chỉ thấy rỉ máu. Trong khi đó, việc cầm máu trong gan cực kỳ khó, phải truyền máu rất nhiều. Gan là nhu mô mềm, không thể cột để cầm máu được, hơn nữa lại có liên quan đường ống dẫn mật.

Với trường hợp này, thai đang sống, bánh nhau hoạt động mạnh cài vào các mô xung quanh, ăn rễ và bám vào gan làm rỉ máu từ trong nhu mô gan ra. Máu rỉ ra nhiều khiến BS khó phân định được điểm chảy máu. Nếu không cầm máu được sẽ đe dọa tính mạng và tổn hại nhu mô gan” - BS Hải phân tích những khó khăn của cuộc mổ và cho biết các BS đã tính phương án cắt một phân thùy gan nếu chẳng may không cầm máu được. May mắn cuộc mổ diễn ra trong 2 tiếng và không nằm ngoài dự đoán, bệnh nhân mất khoảng 1.500 ml và được truyền 600 ml máu và các chế phẩm của máu.

Theo BS Hải, thai nằm trong ổ bụng cực kỳ hiếm, vài trăm ngàn ca mới có một ca. Đến nay, có nhiều giả thuyết cho sự “đi lạc” này, chẳng hạn do sự di chuyển hoặc áp lực trong ổ bụng hoặc vì lý do gì đó không rõ nguyên nhân. Trong ruột có những luồng dịch, với áp lực của ổ bụng và nhịp thở, phôi thai bị đẩy đi trong ổ bụng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phôi thai di chuyển không thể lý giải được như ra sau lưng, với các trường hợp này BS không thể mổ được mà phải dùng thuốc. Do khối thai nằm ngoài tử cung không liên quan cơ quan sinh dục nên người phụ nữ có thể mang thai bình thường lần sau.•

Thai nằm trong ổ bụng là tình trạng cấp cứu. Nếu người phụ nữ có dấu hiệu trễ kinh hoặc thử que có thai, các BS phải đi tìm câu trả lời thai ở đâu. Nếu sớm quá chưa nhìn ra thì chấp nhận được, còn nồng độ Beta HCG (hormone tiết ra khi mang thai) quá cao thì phải xác định túi thai đó ở đâu.

BS CK2 TRẦN NGỌC HẢI, Phó Giám đốc BV Từ Dũ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm