Bài 3: Tòa chờ giám định, xác minh

Thực tế, tham gia vào quá trình giải quyết án, ngoài tòa còn có cả những cơ quan chuyên môn khác. Nhiều vụ tòa đã phải “dài cổ” chờ kết quả xác minh, cung cấp chứng cứ, giám định từ các cơ quan này mà không biết phải làm sao.

Xử xong, chứng cứ mới đến

Trước đây, giải quyết một vụ tranh chấp tài sản, một thẩm phán TAND TP.HCM đã yêu cầu Công an tỉnh L. cung cấp chứng cứ để bổ túc hồ sơ. Sau đó, Công an tỉnh L. có công văn cho biết không có chứng cứ đó nên tòa đưa vụ án ra xử.

Đương sự kháng cáo. Ngay trước khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử, bất ngờ TAND TP lại nhận được công văn cung cấp chứng cứ của Công an tỉnh L. Hỏi ra mới biết do trước đây quá bận nên công an không có thời gian lục tìm! Từ chứng cứ mới này, bản án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm sửa.

Có nhiều vụ án kéo dài do các cơ quan liên quan chậm phối hợp với tòa án. Trong ảnh: Xem thông tin xử án tại TAND TP HCM. Ảnh minh họa: HTD

Vụ khác, năm 2000, bà T. kiện hàng xóm ra TAND quận Bình Thạnh để tranh chấp một bức tường. Được nhận đơn rồi, mãi không thấy tòa gọi tiếp, bà đến hỏi thì thẩm phán giải thích rằng phải chờ Phòng Quản lý đô thị quận xem bức tường của ai. Bà T. về chờ. Đến năm 2003, bức xúc quá, bà gửi đơn khiếu nại đến quận thì việc xác minh mới hoàn tất. Nhưng sau đó phiên xử vẫn phải hoãn để xác minh thêm...

Bốn năm chờ phúc đáp

Năm 2005, phía ông B. và bà N. thành lập một công ty tư vấn kiến trúc xây dựng, rồi ký hợp đồng làm ăn với công ty khác. Họ cam kết nếu thương vụ thành công thì sẽ chia lợi nhuận theo tỉ lệ. Nhưng khi kết thúc hợp đồng, bà N. nói không có lãi nên không chia cho phía ông B. đồng nào, bị phía ông B. khởi kiện.

Tháng 6-2006, TAND quận 10 đã buộc bà N. phải trả cho phía ông B. tổng cộng hơn 50 triệu đồng tiền lợi nhuận có được từ hợp đồng. Ba ngày sau, bà N. kháng cáo. Từ đó đến nay, vụ án vẫn “nằm im” tại TAND TP. Các đương sự khiếu nại thì được tòa lý giải là còn phải chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cung cấp bản sao hồ sơ về việc góp vốn của các bên. Từ năm 2006, tòa đã gửi bốn văn bản yêu cầu Sở trả lời nhưng đến nay vẫn chưa được phúc đáp. Do tính chất quan trọng của chứng cứ này nên tòa vẫn phải chờ Sở, chưa thể xử phúc thẩm.

Cãi nhau chuyện ai giám định

Trong các vụ đòi bồi thường thiệt hại, đôi khi chỉ nội một chuyện xác định cơ quan nào giám định cũng phải mất hàng năm!

Năm 2001, ông S. ký hợp đồng trị giá hơn 700 triệu đồng với bà O. để xây một căn nhà trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4). Xây gần xong, ông S. kiện bà O. (chủ nhà) vì không thanh toán hết tiền. Phía bà O. lại nói ông S. xây ẩu tả nên phản tố đòi bồi thường thiệt hại.

TAND quận 4 phải mất hơn một năm để trưng cầu hai công ty kiểm định chất lượng căn nhà. Tháng 5-2005, tòa xử sơ thẩm, buộc ông S. phải bồi thường cho bà O. gần 100 triệu đồng. Sau đó, ông S. kháng cáo yêu cầu TAND TP xem xét lại việc giám định. Bà O. cũng kháng cáo yêu cầu thẩm định lại phần móng và kết cấu căn nhà để bắt ông S. xây đền một căn nhà mới.

Vụ án trở nên phức tạp khi các đương sự đều đòi có cơ quan giám định riêng nhưng không cơ quan nào dám nhận. TAND TP thì cứ trù trừ, chưa quyết được là mình hay các đương sự sẽ chọn cơ quan giám định.

Thiếu quy định

Làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP cuối tháng 11-2009, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP Phan Thanh Tùng nhìn nhận việc chậm trễ trong khâu giám định tư pháp hiện chưa tìm ra ngay cách gỡ.

Chẳng hạn tranh chấp nhà đất, khi định giá tài sản yêu cầu phải có bản vẽ. Khi tòa lập được bản vẽ hiện trạng đất thì phải đưa ngược về cơ quan chuyên môn duyệt, ít nhất là mất ba tháng. Rồi khi đương sự ngăn cản việc đo vẽ này thì chỉ được cưỡng chế định giá khi đương sự có ở nhà, nếu họ vắng nhà là thua. Có những vụ tòa bí quá, phải định giá trên giấy tờ thì tòa cấp trên lại không công nhận và hủy án...

Theo ông Tùng, rất nhiều cơ quan khác chậm trả lời dù tòa nhắc nhở nhiều lần. Hiện chưa có quy định bắt buộc các cơ quan này phải hợp tác nhanh với tòa và cũng chưa có chế tài nếu họ chậm trễ. “Cũng phải công bằng nhận xét rằng các cơ quan này thường xuyên bị quá tải bởi yêu cầu của tòa ngày càng nhiều mà họ thì vẫn phải lo công việc chuyên môn” - ông Tùng nói.

Ðương sự cản trở

Năm 2008, TAND quận 12 thụ lý vụ tranh chấp đất đai giữa ông B. và ông K. Đến giai đoạn định giá, ông K. (đang sử dụng đất) cứ phản đối như “đỉa phải vôi” . Thuyết phục không xong, cuối năm 2008, tòa phải yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế để định giá. Ngày đoàn cưỡng chế xuống hiện trường, cả gia đình ông K. chống trả quyết liệt khiến việc định giá đất bất thành…

Tương tự là vụ tranh chấp đất từ tháng 6-2005 giữa hai anh em ông N. tại quận 8. Sau khi TAND quận này trưng cầu định giá, hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đang sử dụng đất) quyết liệt phản đối. Một người nói ông đã mua lô đất này của ông N. từ năm 1998, hiện đã xin phép xây nhà thì không ai có quyền đến đo vẽ. Người còn lại thì khẳng định việc tranh chấp là chuyện nội bộ nhà ông N., không liên quan gì đến bà, bà không cho bất cứ ai đụng vào đất của bà cả.

Giám định chuyên nghiệp

Hiện chưa có  cơ quan chuyên giám định mà chỉ là hội đồng gồm nhiều thành phần khác nhau là không chuyên nghiệp. Ngoài ra nên trao việc giám định cho đương sự tự lo như một phần của nghĩa vụ tự chứng minh và để họ tự đi thuê, tự trả tiền. Tòa không phải làm thay cho họ rồi ngồi chờ kết quả, dẫn đến án quá hạn.

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc

Có chế tài

Nhiều nước đã thực hiện, chẳng hạn nếu cán bộ giám định đưa ra kết quả sai, chậm gửi kết quả xác minh, hay thiếu trách nhiệm trong việc giám định thì tòa có quyền tước chứng chỉ hành nghề chuyên môn... Có vậy họ mới có trách nhiệm để thực hiện nghiêm túc yêu cầu của tòa. Một biện pháp nữa là nên chấp nhận hình thức giám định tư nhân và cho đương sự quyền lựa chọn tổ chức giám định.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng,
Chánh án TAND tỉnh Bình Dương

Giá nhà nước phải sát thực tế

Để tránh việc đương sự khiếu nại nhiều lần về giá trị nhà đất sau khi giám định xong, tôi nghĩ ngoài việc chính xác, kết quả đó còn phải phù hợp với thực tế. Điều này liên quan đến mức bảng giá mà nhà nước đưa ra có sát với giá thị trường hay không. Chưa khắc phục, người dân sẽ còn bức xúc và việc giám định càng, kéo dài.

Thẩm phán Phạm Thao, Chánh án TAND quận 2 (TP.HCM)

Hướng dẫn

Trước mắt, ba ngành tố tụng nên ngồi lại soạn ra những hướng dẫn chi tiết về những vấn đề giám định còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn, khi đương sự khiếu nại, phải trưng cầu giám định lại thì tòa công nhận kết quả lần nào. Hay chuyện đương sự cứ khóa cửa bỏ đi khi hội đồng giám định đến thì phải làm sao…

Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người Nghèo

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới