Bài 5: Lúng túng tranh chấp mới

Trong số 101 doanh nghiệp bị cơ quan bảo hiểm xã hội kiện, có 23 doanh nghiệp tự khắc phục, 34 doanh nghiệp hòa giải thành với cơ quan bảo hiểm, còn lại 36 vụ các tòa đang giải quyết. Tốc độ giải quyết án còn rất chậm. Thực tế, có những vụ kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội, tòa thụ lý quá thời hạn xét xử từ lâu mà vẫn chưa xong được khâu hòa giải…

Lúng túng ban đầu

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc chậm xét xử loại án này là vào thời điểm cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ban đầu, ngành tòa án TP đã gặp lúng túng khi xác định thẩm quyền xét xử giữa cấp quận, huyện hay cấp TP khiến hồ sơ bị trả tới trả lui.

Chẳng hạn, sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện Công ty TNHH Giày Anjin và Công ty TNHH Đồ chơi quốc tế Lucky Việt Nam, TAND Bình Tân đã trả đơn vì cho rằng mình là tòa cấp quận, không có thẩm quyền xét xử. Trao đổi với TAND TP, sau đó TAND Bình Tân mới chịu tái thụ lý đơn kiện...

Hay như vụ Bảo hiểm xã hội quận 8 kiện Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry, thụ lý xong, TAND quận 8 chuyển vụ án lên TAND TP với lý do nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với giám đốc công ty. Sau đó TAND TP lại chuyển vụ kiện về quận 8 vì giám đốc này đã rời khỏi Việt Nam nên không thể thực hiện được đề nghị trên...

Bài 5: Lúng túng tranh chấp mới ảnh 1

Những người lao động trẻ sẽ bị thiệt thòi nhất khi án bảo hiểm xã hội càng kéo dài với nhiều lý do.
Ảnh minh họa: HTD

Ngoài thẩm quyền xét xử, một lúng túng ban đầu khác của các tòa quận, huyện là chuyện tạm ứng án phí. Theo luật, khi khởi kiện, cơ quan bảo hiểm phải đóng tạm ứng án phí nhưng số tiền này rất lớn, cơ quan bảo hiểm không lo nổi. Đến nay, vấn đề này đã được hai ngành tòa án, bảo hiểm xã hội TP bàn bạc giải quyết. Theo đó, vì lợi ích của người lao động, tòa đã chấp nhận tạm miễn tiền tạm ứng án phí cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bị đơn bất hợp tác

Các vụ kiện đòi nợ bảo hiểm luôn phức tạp, khó xác minh vì doanh nghiệp thường nợ kéo dài qua nhiều năm, tiền lương của công nhân cũng biến động liên tục... Đã thế, tòa càng gặp khó khăn hơn khi phía doanh nghiệp bất hợp tác, “trốn” tòa.

Trước đây, cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ba công ty Khoa Việt (nợ hơn 1 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Bảo vệ MC (nợ 447 triệu đồng), Siêu thị Điện máy Tự Do (nợ 461 triệu đồng) ra TAND quận Bình Thạnh. Tòa chính thức thụ lý từ đầu tháng 5 nhưng đến nay đã qua bảy tháng vẫn chưa xong được khâu hòa giải. Lần nào tòa mời đến làm việc, đại diện các công ty cũng viện đủ mọi lý do để không đến như bận công việc hay ốm đau, gia đình có chuyện gấp...

Doanh nghiệp phá sản, giám đốc bỏ trốn

Một vướng mắc nữa là trong quá trình tòa đang giải quyết vụ kiện thì doanh nghiệp tuyên bố giải thể. Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng âm thầm “lặn” về nước. Khi đó, ai sẽ là người đại diện công ty để giải quyết thủ tục phá sản?

Nhiều ý kiến cho rằng nên để chủ tịch công đoàn công ty đứng ra đại diện cho công nhân tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, các quy định hiện hành lại không cho phép. Đó là chưa kể nếu có người đại diện rồi thì thủ tục phá sản cũng còn đang rất nhiêu khê. Rồi chuyện tài sản của doanh nghiệp cũng vậy, có khi chưa chắc đã phải của họ vì rất nhiều trường hợp họ đi thuê mướn để sản xuất...

Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội TP đã lên danh sách hàng trăm doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm từ ba tháng trở lên để phát đơn kiện trong năm 2010. Đây sẽ tiếp tục là một gánh nặng không nhỏ cho ngành tòa án TP. Lãnh đạo TAND TP đã phải nhìn nhận rằng để gỡ được những cái vướng trong loại án này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể với sự phối hợp giữa nhiều ngành liên quan chứ không chỉ riêng gì ngành tòa án.

Càng chậm xử, càng khó đòi nợ

Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội cuối tháng 8-2009, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cao Văn Sang cho rằng việc tòa kéo dài thời gian tố tụng đã làm nợ của doanh nghiệp liên tục phát sinh. Do vậy, đến khi tòa xử thì doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán, nợ càng khó đòi.

Chẳng hạn, trong vụ Công ty Đồ chơi quốc tế Lucky, giữa năm 2008, thời điểm cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện, công ty này mới nợ 800 triệu đồng. Trong hơn một năm chờ tòa xác minh để xét xử, tính cả tiền nợ và tiền lãi, số tiền công ty này phải trả đã lên tới hơn 2,1 tỉ đồng.

Đa số doanh nghiệp nợ là của nước ngoài

Hiện ngành tòa án Bình Dương chưa thụ lý, giải quyết các vụ kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng, hầu hết doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài là của nước ngoài làm ăn thua lỗ, tài sản thì đi thuê, chủ thì bỏ trốn. Vì không thể có thông tin của bị đơn nên tòa có tuyên buộc họ trả tiền cũng không thi hành án được...

Đề nghị bỏ khâu hòa giải

Không cần phải có khâu hòa giải trong những vụ kiện bảo hiểm là đề xuất của Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TP.HCM Nguyễn Đăng Tiến. Ông Tiến lý giải: Gần như 100% các doanh nghiệp để đến mức bị kiện là đã “nửa sống nửa chết” rồi nên mới cố tình chây ỳ nợ. Nếu cố tình trốn trả nợ thì mời hòa giải họ cũng không đến.

Mọi thứ đều đi thuê

Có lần Bảo hiểm xã hội TP.HCM đến một công ty nợ 800 triệu đồng tiền BHXH để xác minh tài sản. Cô kế toán người Việt được ủy quyền đon đả tiếp đón nhưng rất thành thật rằng két sắt công ty chỉ còn 4 triệu đồng. Hỏi đến tài sản, cô nói nhà xưởng,  máy móc đều đi thuê hết, chỉ có mấy dàn máy tính đời cũ là công ty mua nhưng lại mua theo diện… trả chậm. 

Thắng kiện cũng bằng không

Công ty TNHH Giày Anjin bị TAND quận Bình Tân tuyên phải trả một lần cho cơ quan bảo hiểm xã hội hơn 6,5 tỉ đồng. Án tuyên xong cũng là lúc công ty đóng cửa, ngừng hoạt động, làm thủ tục xin phá sản. Thắng kiện, cơ quan BHXH cũng chỉ trông mong vào việc thanh lý số tài sản, máy móc vốn không đáng là bao của công ty.

Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất giày dép Kwang Nam bị TAND quận Phú Nhuận tuyên buộc phải trả một lần số nợ hơn 7 tỉ đồng. Mới trả được hơn 1,3 tỉ đồng thì giám đốc công ty bỏ về nước. Hiện thi hành án phải cưỡng chế niêm phong tài sản nhưng giá trị cũng chẳng bao nhiêu.

THANH TÙNG  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm