Bài học cho kẻ gây thương tích cho con của người tình

Bài học cho kẻ gây thương tích cho con của người tình

(PLO)- Qua câu chuyện này, phiên tòa giả định mong rằng ai cũng có tinh thần trách nhiệm, ý thức pháp luật, đấu tranh với kẻ xấu, không làm ngơ, im lặng trước những hành vi bạo hành trẻ em.

Ngày 17-4, UBND, Hội Cựu chiến binh và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM phối hợp cùng Trường THCS Nguyễn Du, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định với chuyên đề “Phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình”.

Đây là hoạt động tuyên truyền pháp luật nhằm phòng chống các hành vi bạo lực trong gia đình, trường học và ngoài xã hội. Ảnh: TRẦN LINH

Đây là hoạt động tuyên truyền pháp luật nhằm phòng chống các hành vi bạo lực trong gia đình, trường học và ngoài xã hội. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình được tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Du. Đây là hoạt động tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh để phòng chống các hành vi bạo lực trong gia đình, trường học và ngoài xã hội.

Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” có nội dung do bận rộn mưu sinh, bé gái được mẹ gửi nhờ người chăm sóc. Người này là tình nhân của mẹ bé. Tuy nhiên, ông này nhiều lần la mắng, đánh đập khi bé làm sai.

Một lần cho rằng bé giặt đồ không sạch, ông ta đã tát bé khiến bé té ngã. Tuy nhiên, khi đưa bé đi cấp cứu thì ông ta nói với bệnh viện là bé tự ngã. Kết quả giám định cho thấy bé bị chấn thương, tỉ lệ thương tật 16% nên ông ta bị xử lý hình sự. Tòa xử ông này 3 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Ảnh: TRẦN LINH

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Ảnh: TRẦN LINH

Thông qua phiên tòa, các vị luật sư muốn truyền đi thông điệp rằng: Luật Trẻ em 2016 đã quy định trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Mong rằng ai cũng có tinh thần trách nhiệm, ý thức pháp luật, đấu tranh với kẻ xấu, không bao giờ làm ngơ, im lặng trước những hành vi bạo hành trẻ em.

Em Quỳnh Anh, học sinh lớp 7/3, cho biết: “Con rất hiểu và ý thức được việc phòng tránh bạo hành trẻ em là vấn đề rất quan trọng. Qua những chương trình như này thì con cảm thấy rất yên tâm, cảm giác an toàn hơn vì hiểu rõ về quyền trẻ em và con biết rằng người lớn cũng đang rất quan tâm vấn đề này”.

Em Nguyễn Yến Linh, học sinh lớp 7/2, chia sẻ: “Bên cạnh việc bị bạo hành về thể chất thì con thấy việc bị chèn ép về tinh thần cũng rất là khủng khiếp như là việc trẻ em bị phân biệt đối xử, những định kiến về giới tính cũng khiến trẻ em rơi vào trầm cảm”.

Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang. Ảnh: TRẦN LINH

Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang. Ảnh: TRẦN LINH

Phiên tòa giả định này giúp học sinh nhận thức được hành vi sai trái và biết cách tự bảo vệ. Cạnh việc tuyên truyền cho phụ huynh thì nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, quan tâm học sinh hơn để hiểu và nắm bắt những biến đổi tâm lý bất thường.

Chỉ khi nắm bắt kịp thời thì mới có thể phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em.

NGUYỄN ĐOAN TRANG, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du

Đọc thêm